Bạn đang ở đây

Xúc tiến đầu tư vào Yên Bái: Vận hội mới của thành phố, cơ hội mới cho nhà đầu tư

09/07/2013 14:30:41
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Chiến (thứ hai, hàng trên, phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường (giữa) cùng lãnh đạo thành phố Yên Bái kiểm tra tiến độ xây dựng khu công nghiệp Âu Lâu.

Cùng với việc ban hành, hoàn thiện các chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư, tỉnh Yên Bái nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành bộ máy Nhà nước và cung ứng dịch vụ công. Xếp hạng đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉnh liên tiếp có mặt trong nhóm tốt của bảng xếp hạng. Các lĩnh vực điều hành được đánh giá tốt là tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, tính năng động, được đánh giá cao nhất là tính minh bạch, đào tạo lao động và chi phí thời gian.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường khẳng định: "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành bộ máy nhà nước và cung ứng dịch vụ công là chỉ đạo nhất quán, liên tục của lãnh đạo tỉnh nhằm thu hút ngày một nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Yên Bái làm ăn".

Những nỗ lực của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành bộ máy nhà nước và cung ứng dịch vụ công đã "kéo" các nhà đầu tư đến Yên Bái ngày một nhiều hơn với hàng chục dự án trên các lĩnh vực lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng, khai thác chế biến sâu khoáng sản, chế biến nông - lâm sản.

Trong hàng chục dự án đầu tư vào tỉnh đã thành công có thể kể đến dự án khai thác chế biến đá vôi trắng của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam là công ty 100% vốn đầu tư của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ khai thác, chế biến đá marble có mặt tại Yên Bái từ đầu năm 2006, tổng số vốn đầu tư tới nay đã lên tới trên 16 triệu USD; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Yên Bình là một trong 5 dự án xi măng của vùng Tây Bắc, công suất thiết kế 750.000 tấn clinker, tương đương 1.000.000 tấn xi măng/năm, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng do Vinaconex làm chủ đầu tư đã phát huy hiệu quả; Dự án nhà máy tuyển quặng sắt Chấn Thịnh, công suất tuyển 1,4 triệu tấn/năm với tổng đầu tư 800 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty Phát triển số 1, đã đi vào hoạt động với mục tiêu sản lượng khai thác quặng sắt đến năm 2015 đạt 1 triệu tấn quặng thô, năm 2020 khai thác đưa vào tinh tuyển 2 triệu tấn quặng thô để sản xuất được 300.000 tấn phôi thép; Dự án Nhà máy Thủy điện Văn Chấn công suất thiết kế 57MW, tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn đầu tư hiện đã thông nước đường hầm và chạy thử tổ máy số 1.

Trước đó, Dự án Thủy điện Mường Kim công suất 13,5MW do Công ty Thiết bị điện Hà Nội làm chủ đầu tư với thiết kế ba tổ máy, tổng vốn đầu tư 270 tỷ đồng; Dự án Nhà máy Thủy điện Hồ Bốn công suất 18 MW do Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn đầu tư tổng kinh phí là 343 tỷ đồng đã đi vào hoạt động...

Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của Yên Bái mà sự phong phú về tài nguyên đất đai, khoáng sản, nông lâm - sản, nguồn nhân lực trẻ có trình độ và lợi thế đầu mối trung độ về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy là điều kiện thuận lợi để Yên Bái phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thành phố Yên Bái - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh đang được coi là "trục lõi" kinh tế của tỉnh cũng như 6 tỉnh vùng Tây Bắc đang giữ vai trò quan trọng trong mối liên kết vùng Tây Nam Trung Quốc với các nước ASEAN, với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, nhất là khi tuyến đường cao tốc xuyên Á sắp hoàn thành và Chính phủ đã quyết định đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Bắc Kinh đi qua Yên Bái. Đây là một vận hội mới để thành phố và tỉnh thu hút đầu tư, cũng là cơ hội lớn để các nhà đầu tư đến Yên Bái tìm kiếm và triển khai các dự án đầu tư.

Bí thư Thành ủy Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ: "Thành phố hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư đến làm ăn để doanh nghiệp phát triển, thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh. Lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của thành phố; doanh nghiệp thành công thì thành phố thành công, thành phố luôn cầu thị và thiện chí vì mục tiêu phát triển của thành phố và cộng đồng doanh nghiệp. Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, lao động, giao thông, dịch vụ; với chính sách khuyến khích thu hút đầu tư thông thoáng và nhất là với bộ máy hành chính Nhà nước trong sạch, minh bạch, nhất định các nhà đầu tư đến làm ăn ở thành phố sẽ thành công". 

Trong chiến lược phát triển của mình, thành phố đã sớm hoàn thành, công bố quy hoạch chung đến 2030 theo hướng phát triển thành phố thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - thương mại hiện đại, mang đặc trưng điển hình là đô thị sinh thái. Lấy sông Hồng là trục không gian - cảnh quan, nâng cấp đô thị hiện đại, xây dựng mới đô thị Nam sông Hồng để sớm hình thành thành phố hai bên sông; xác định 5 phân khu chức năng, trong đó ưu tiên cho phát triển thương mại - du lịch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư khi tuyến đường cao tốc xuyên Á sắp hoàn thành.

Hướng phát triển của công nghiệp thành phố được xác định là phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm có công nghệ hiện đại, chất lượng và giá trị gia tăng cao; phát triển công nghiệp phụ trợ, từng bước phát triển công nghiệp thông tin, cơ khí chính xác và tự động hóa, phát triển nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo là định hướng, ưu tiên.

 

Thành phố sẽ phát triển mạnh sang bên kia sông Hồng, tạo thành phố hai bên bờ sông.

Hạ tầng phát triển công nghiệp đã đi trước một bước và ngày càng được hoàn thiện: Khu công nghiệp (KCN) phía Nam với diện tích 207,8ha hiện đã có 17 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng; thành phố đang mở rộng để đạt quy mô 430 ha theo đúng quy hoạch và phấn đấu lấp đầy 75% diện tích.

Thành phố cũng xúc tiến kêu gọi đầu tư vào KCN Âu Lâu diện tích 120ha là nơi dành cho công nghiệp có lợi thế phát triển với các dự án công nghiệp sạch vào các ngành may mặc, sản xuất da giày, lắp ráp điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp phụ trợ, thủ công mỹ nghệ... KCN Minh Quân, nằm cạnh quốc lộ 32C và sát sông Hồng với diện tích 112ha đang mời gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất chế biến nông lâm sản.

Các cụm công nghiệp Đầm Hồng, Âu Lâu đang thu hút đầu tư lắp ráp ô tô xe máy, điện tử, da giày, vật liệu xây dựng; xây dựng các kho cảng, chế biến nông - lâm sản thực phẩm, gỗ, sản xuất vật liệu không nung. Trong lĩnh vực dịch vụ, thành phố đã quy hoạch cụm thương mại - dịch vụ Âu Lâu, Hợp Minh, cụm thương mại - dịch vụ giao cắt đường Nguyễn Tất Thành và đường Km10 cầu Văn Phú với các dự án mời gọi đầu tư: xây dựng các khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm dừng chân trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Côn Minh; bến xe khách, nâng cấp các công viên, xây dựng trường chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí ở Nam Cường, Yên Hòa...

Lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thành phố đã lập dự án quy hoạch sản xuất rau an toàn ở các xã Văn Phú, Âu Lâu, Tuy Lộc, Tân Thịnh với diện tích trên 74ha; tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VieetGap; dự án phát triển nấm thực phẩm và nấm dược liệu, phát triển sản xuất miến đao... 

Tiềm năng dồi dào, lợi thế về vị trí, mạng lưới giao thông, nguồn nhân lực trẻ và có trình độ, hệ thống dịch vụ ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục đa dạng, là những điều kiện thuận lợi để thành phố thu hút đầu tư cho phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường khẳng định: "Đầu tư vào thành phố cũng chính là đầu tư vào tỉnh Yên Bái. Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành và thành phố tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước năng động, minh bạch, trong sạch; nâng cao chất lượng dịch vụ công; thực hiện nhất quán các chính sách, cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư đã ban hành; luôn cầu thị và sẵn sàng lắng nghe, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực sự hài lòng, làm ăn có lãi, cũng chung sức xây dựng thành phố Yên Bái giàu đẹp, văn minh; góp phần đưa Yên Bái trở thành tỉnh công nghiệp và một trong những trung tâm phát triển năng động của vùng miền núi phái Bắc".

Theo YBĐT