Bạn đang ở đây

Xuất khẩu vào ASEAN: Cần chiến lược dài hơi

26/12/2013 09:46:19

Đó là khuyến cáo của bà Phạm Thị Hồng Thanh- Hàm Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương).

ASEAN là một trong những thị trường truyền thống và tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. 11 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN rất đa dạng như gạo, dầu thô, xăng dầu, sắt thép, điện thoại, phụ tùng, linh kiện…

Trong khối ASEAN, Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến năm 2018 với nhóm nước Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam.

Theo bà Phạm Thị Hồng Thanh, các doanh nghiệp nên tận dụng lợi ích từ các chương trình hợp tác khu vực như khai thác cơ sở hạ tầng; thu hút vốn đầu tư; cơ hội trao đổi kinh nghiệm, công nghệ, kỹ năng quản lý; thông qua các nước này để xuất khẩu sang nước thứ 3…

Ông Nguyễn Mạnh Dũng- Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn)- cũng cho rằng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nhiều cơ hội do đa dạng sản phẩm. Năm 2014, cà phê, ca cao vẫn là các mặt hàng có nhiều tiềm năng do ASEAN không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là khu vực chế biến. Một số quốc gia như Malaysia, Philippines và Singapore vẫn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp.

Bên cạnh thuận lợi trong việc trao đổi hàng hóa tương đối tự do khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN thì các DN Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức. Đối với nhóm các nước ASEAN 6 (Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan), hàng hóa chịu sự cạnh tranh cao như tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã; tiêu chuẩn khắt khe đối với sản phẩm cho người tiêu dùng Hồi giáo đặc biệt là Malaysia, Indonesia, Brunei. Còn đối với nhóm nước CLV thì cơ chế, chính sách quản lý của các nước này vẫn nhiều bất cập. Việc thanh toán còn chưa thuận lợi đặc biệt tại thị trường Myanamar.

Ông Nguyễn Công Danh- Công ty cổ phần Vật tư và thiết bị toàn bộ (Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp)- chia sẻ: “Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có lợi thế về nông sản. Còn một số mặt hàng khác vẫn nhiều khó khăn. Như công ty chúng tôi xuất khẩu xe máy sang Myanmar, đây cũng được cho là mặt hàng có lợi thế nhưng đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước Thái Lan, Trung Quốc giá rất rẻ, mẫu mã đẹp hơn, nên Việt Nam cần có sự cạnh tranh tích cực về giá và chất lượng để thâm nhập tốt thị trường này”.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thị trường, hợp tác liên kết để nâng cao giá trị xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp phải chủ động về mặt công nghệ, thiết bị chế biến bảo quản. Đơn cử như ngay khâu phân cấp sản phẩm, phân loại nguyên liệu không làm được tốt thì không có sản phẩm tốt để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

“Chừng nào doanh nghiệp có chiến lược dài hơi, hàng hóa cung ra khu vực mới có chất lượng đồng đều, đảm bảo”- ông Nguyễn Mạnh Dũng nhận định.

Theo Vinanet