Bạn đang ở đây

Xuất khẩu sắn cả năm có thể đạt 1,5 tỷ USD

24/08/2015 13:33:10

Lệ thuộc 1 thị trường, dễ lao đao

 

Theo Bộ NN&PTNT, 7 tháng đầu năm, tổng khối lượng XK sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 2,89 triệu tấn với giá trị 886 triệu USD, tăng 35,4% về khối lượng và tăng gần 31% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Trong nửa đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường NK chính, chiếm tới trên 89% thị phần, tăng 53,47% về khối lượng và tăng 46,15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản hơn 10 lần và Đài Loan (Trung Quốc) 64%.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết: Giá XK sắn hiện nay trung bình khoảng 420-430 USD/tấn và nhu cầu tương đối ổn định. Mấy năm trước, sắn XK của Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt với sắn Thái Lan bởi Thái Lan áp dụng chính sách trợ giá nông sản. Tuy nhiên, năm nay chính sách trợ giá không còn, đồng thời đồng Baht của Thái Lan mất giá nhiều so với đồng USD khiến sản phẩm sắn của Việt Nam tăng tính cạnh tranh rõ rệt so với sắn Thái Lan.

Theo ông Tiến, dự kiến cả năm nay, XK sắn sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD bao gồm cả sắn lát và sắn bột. Trong đó, khoảng 80% sắn vẫn được XK sang Trung Quốc. Việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc được ông Tiến đánh giá là điểm yếu nổi cộm của ngành sắn Việt bởi thị trường này bấp bênh, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần có sự biến động nhẹ từ thị trường Trung Quốc đã đủ khiến các DN trong ngành sắn lao đao.

“Bên cạnh đó, năng suất cây trồng quá thấp cũng là điều làm giảm sức cạnh tranh của ngành sắn. Năng suất sắn trung bình cả nước mới đạt khoảng 17,6 tấn/ha, cần nâng lên mức 25 tấn/ha. Hiện nay, đã có địa phương đạt năng suất 50, thậm chí 70 tấn/ha. Muốn tăng năng suất sắn, các DN phải thực sự có ý thức trong xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy sản xuất”, ông Tiến nhấn mạnh.

Hướng tới xuất khẩu 2 tỷ USD

Hiện nay, ngoài Trung Quốc, sắn Việt đã bắt đầu có mặt tại nhiều thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Malaysia,… Trong thời gian tới, thị trường hướng tới của sản phẩm sắn là Mỹ và EU. Nhận định tiềm năng XK của sắn còn khá rộng mở, theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, ngành sắn đang phấn đấu hướng tới mục tiêu nâng giá trị XK đạt mức 2 tỷ USD vào năm 2020.

Ông Tiến cho biết, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Tiêu chuẩn chất lượng bột sắn Việt Nam và công bố rộng rãi vào tháng 1/2015. Tiêu chuẩn này xây dựng trên cơ sở có những tiêu chí tương đồng với tiêu chuẩn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Vì vậy, chỉ cần sản phẩm của DN đạt chất lượng theo đúng tiêu chuẩn đề ra thì có thể tự tin XK ngay cả vào những thị trường khắt khe, “khó tính”.

“Kinh tế ngày càng hội nhập mạnh mẽ thông qua đàm phán, ký kết những Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Điều này càng tạo điều kiện cho XK sắn khi thuế quan không còn là rào cản. Khi hội nhập sâu, tùy vào những yêu cầu đặt ra của riêng từng thị trường về nhiều tiêu chí chất lượng sản phẩm như độ ẩm, độ trắng, độ nhớt…, DN trong ngành hoàn toàn có thể điều tiết, đổi thay cho phù hợp”, ông Tiến nói.

Để dần tháo gỡ bài toán lệ thuộc thị trường Trung Quốc, thời gian qua Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phối hợp với một số DN tiến hành xúc tiến thương mại; liên kết với một số hiệp hội sắn như Hiệp hội Sắn Thái Lan, Hiệp hội Sắn Trung Quốc nhằm quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn… Theo ông Tiến, trong tháng 10 tới, Hiệp hội dự kiến sẽ phối hợp cùng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức một hội thảo mang tầm quốc tế giới thiệu sản phẩm sắn của Việt Nam. Hội thảo sẽ có sự tham gia của tham tán thương mại tại các thị trường lớn mà ngành sắn đang hướng tới như Mỹ, EU… nhằm từng bước mở cửa, xâm nhập thị trường.

Trước mắt, đối với riêng XK sắn sang Trung Quốc, các DN chế biến, XK mong muốn ngành Ngân hàng phải vào cuộc, hỗ trợ nhằm thiết lập hệ thống thanh toán an toàn cho giao dịch biên mậu với mức chi phí phù hợp. Ông Tiến lý giải, hiện nay việc kết nối thanh toán qua ngân hàng được tính phí khá cao, khoảng 30 NDT/tấn, trong khi đó thanh toán qua DN tư nhân làm đầu mối trung gian thì DN Việt Nam chỉ phải trả 10 NDT/tấn. Cách làm này tiết kiệm hơn cho DN nhưng thực tế là vi phạm pháp luật và chứa đựng nhiều rủi ro.

Xung quanh vấn đề phát triển bền vững cây sắn, đại diện một số DN cho rằng, cây sắn được trồng và phân bố khắp cả nước, tập trung chủ yếu tại các vùng sâu, vùng xa, với số lao động trực tiếp khoảng 2 triệu người. Tuy nhiên, hiện cây sắn vẫn chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước. Các DN sản xuất sắn không tiếp cận được nguồn vốn vay, phải tự huy động vốn đầu tư làm đường, kéo điện, xử lý môi trường tại các nhà máy sản xuất. Để tạo điều kiện hơn cho ngành sắn phát triển, cây sắn phải thực sự được coi là cây trồng Quốc gia mang tính chiến lược, với những chính sách phát triển đồng bộ đi kèm.

Theo Báo Hải quan