Khó xuất tiểu ngạch
Theo đánh giá của Sở Công Thương Quảng Ninh, tình hình trao đổi hàng hóa của thương nhân và cư dân biên giới từ đầu năm đến nay không biến động lớn, không ách tắc, tồn đọng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở các cửa khẩu tại Quảng Ninh giảm 6,51% so với cùng kỳ năm 2015, chỉ đạt kim ngạch trên 91,7 triệu USD.
Tại Lào Cai, số liệu của hải quan ghi nhận: Tính đến 18/2/2016, kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu đạt khoảng 13,4 triệu USD, chủ yếu là mặt hàng: Gạo, quặng, giày dép, cà phê, bánh kẹo. Theo ông Đỗ Trường Giang - Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai - 2 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, một số mặt hàng nông sản như: Đường, cao su... không thể xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đặng - Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng - cho biết: Xuất khẩu nông sản qua địa bàn rất hạn chế. Cụ thể: Tại Cửa khẩu Tà Lùng, hàng hóa xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2016 chủ yếu là hàng thủy sản, hoa quả khô, găng tay cao su. Kim ngạch xuất khẩu trong phạm vi thống kê chỉ đạt trên 3,1 triệu USD, ngoài phạm vi thống kê khoảng 25,4 triệu USD. Cửa khẩu Trà Lĩnh, tình hình cũng không khá hơn. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm mới đạt hơn 16 triệu USD.
Riêng các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn, số liệu của ngành Hải quan ghi nhận: Đến hết ngày 15/2/2016, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 185,38 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, trong tháng 2, Trung Quốc đóng cửa cửa khẩu nghỉ Tết Nguyên đán nên lượng xe chở hàng phải lưu tại Lạng Sơn lên đến 1.000 xe.
Nguyên nhân chính dẫn đến xuất khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc gặp khó là do giá hàng hóa giảm sâu. Đặc biệt, phía Trung Quốc siết chặt quản lý biên mậu nên doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch bế tắc.
Tìm cách khai thông
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn, ông Đỗ Trường Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng việc thí điểm xuất khẩu qua lối mở. Bên cạnh đó, địa phương cũng tích cực hỗ trợ xuất khẩu thủy sản theo đường chính ngạch.
Tạo điều kiện cho xuất khẩu thanh long và dưa hấu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo lực lượng hải quan tại các cửa khẩu (đặc biệt là Cửa khẩu Tân Thanh) chủ động phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng xe, tránh ùn tắc; bố trí cán bộ có chuyên môn cao tiếp nhận và làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh cũng đã tham gia Đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn, làm việc với Ban quản lý Khu công nghiệp Lam Sơn (Trung Quốc), thống nhất một số giải pháp thúc đẩy lưu thông hàng hóa qua biên giới. Tại tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản, chính sách liên quan đến thương nhân, lối mở, cửa khẩu phụ để doanh nghiệp nắm bắt tình hình, tận dụng cơ hội xuất khẩu…
Nguyên nhân chính dẫn đến xuất khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc gặp khó là do giá hàng hóa giảm sâu. Đặc biệt, phía Trung Quốc siết chặt quản lý biên mậu nên doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch bế tắc. |
Theo Báo Công Thương