Năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn, thách thức không thua kém so với các năm trước. Trong khi kim ngạch nhập nông thủy sản chỉ đạt 13 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu đã gấp 1,7 lần, đạt 22,54 tỷ USD. Điều này cho thấy, Việt Nam là quốc gia có nguồn nông thủy sản dồi dào, có dư địa xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu nông sản phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe, cạnh tranh gay gắt; và đầu ra nông thủy sản phụ thuộc nhiều vào thị trường chính Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng hơn 10% so với năm 2016, đặc biệt là sự đột phá vào các thị trường lớn của những mặt hàng chủ lực như rau quả, thủy, hải sản... là những thành tích rất đáng ghi nhận.
Điểm sáng trong xuất khẩu nông sản
Theo số liệu từ Vibiz.vn tổng hợp, giá trị xuất khẩu nông thủy sản có xu hướng tăng nhanh từ giai đoạn 2011 - 2017, tỷ lệ tăng bình quân 12%/ năm. Riêng năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng nông thủy sản bao gồm: thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, cao su của cả nước đạt 22,54 tỷ USD, tăng 13,3% so với giá trị năm 2016. Cụ thể, trong năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản trong năm ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 15,67% so với cùng kỳ năm 2016; thuỷ sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%.
Trung Quốc vẫn là thị trường đầu ra chính của nông thủy sản Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,12 tỷ USD. Các mặt hàng chính là rau quả, cao su, thủy sản, gạo xuất sang nước láng giềng với giá trị đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, riêng rau quả tươi giá trị xuất khẩu là 2,6 tỷ USD. Cao su (1,4 tỷ USD), thủy sản (1,08 tỷ USD), gạo (1,03 tỷ USD), hạt điều (469 triệu USD), thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (199 triệu USD).
Mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu: rau quả
Giá trị xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2017 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2016. Năm 2016, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả đã “qua mặt” kim ngạch xuất khẩu gạo. Nếu như năm 2016, khi xuất khẩu gạo mang về 2,2 tỷ USD thì rau quả đạt 2,4 tỷ USD. Và chỉ sau 1 năm, rau quả đã vượt lúa gạo tới 1 tỷ USD. Sự tăng trưởng này được nhận định là do tăng về diện tích cây trồng và tăng cả về công nghệ kĩ thuật. Sản lượng rau quả xuất khẩu trong các tháng duy trì ở mức ổn định cao do rau quả Việt Nam rất đa dạng, mỗi mùa vụ lại có những sản phẩm đặc trưng. Vì vậy, rau quả Việt Nam luôn cung cấp đầy đủ cho nhu cầu tiêu thụ của các nước bạn trên thế giới.
Hiện nay, rau quả Việt đã được xuất đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 2,65 tỷ USD, tương ứng với 75,7% tổng thị phần. Với tỷ trọng lớn trên 75% cho thấy, mức độ phụ thuộc rất lớn vào thị trường này. Đây là thị trường lớn lại rất gần với Việt Nam về mặt địa lý, vì vậy có nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản.
Theo số liệu Vibiz.vn, Top 5 thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam nhiều nhất gồm: Trung Quốc (75,7%), Nhật Bản (3,63%), Hoa Kỳ (2,9%), Hàn Quốc (2,44%). Bên cạnh những thị trường truyền thống, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand... Điều này cho thấy, chất lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện, công tác xúc tiến thương mại hiệu quả hơn.
Việt Nam chi 13 tỷ USD cho nhập khẩu nông thủy sản
Trong năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông thủy sản chiếm 6,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Cụ thể tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này (thủy sản, hàng rau quả, hạt điều, lúa mì, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc và nguyên liệu, cao su, dầu mỡ động thực vật) đạt 13 tỷ USD, tăng 1,45 tỷ USD, bằng 110% năm 2016.
Trong nhóm mặt hàng nông thủy sản mặt hàng rau quả, hạt điều, cao su là 3 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 50%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả đạt 1.547 triệu USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2016 tương ứng tăng 622 triệu USD. Tiếp đến là kim ngạch nhập khẩu hạt điều đạt 2.533 triệu USD tăng 52,8% (875 triệu USD), kim ngạch nhập khẩu cao su đạt 1.089 triệu USD, tăng 58% (400 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Vibiz.vn tổng hợp, Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng nông thủy sản từ các thị trường chính như: Argentina, Thái Lan, Brasil, Bờ biển Ngà, Mỹ. Tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng nông thủy sản từ 5 thị trường này đạt 6,13 tỷ USD, chiếm khoảng 47%.
Nhập khẩu rau quả tăng cao
Kim ngạch nhập khẩu mặt rau quả năm 2017 đạt 1,54 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 334 triệu USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ 2016 và mặt hàng quả đạt 1,19 tỷ USD, tăng 83,6% so với cùng kỳ năm 2016. Sự tăng trưởng thể hiện rõ rệt nhất vào quý 2, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016, đưa giá trị nhập khẩu hàng rau quả trong quý 2 tăng 211 triệu USD, đạt 405 triệu USD.
Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất trong năm 2017 là thị trường Thái Lan đạt 857 triệu USD (chiếm 55,4% thị phần), Trung Quốc đạt 195 triệu USD (chiếm 19%). Trong năm 2017 giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2016 ngoại trừ thị trường Myanmar (giảm 21%) và Myanmar (giảm 20%).
Tín hiệu tốt cho ngành nông thủy sản năm 2018
Sau khi đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến trong năm 2017, nền kinh tế thế giới năm 2018 được dự báo có khả năng duy trì đà tăng trưởng ở mức 3%, giúp nhu cầu tiêu thụ của hầu hết các thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có mặt hàng nông thủy sản. Sau hạt gạo đã đáp ứng được thị trường Nhật, vốn là thị trường khó tính nhất thế giới với 613 chỉ tiêu, thì hàng loạt rau quả cũng đã vào được các thị trường cao cấp khác. Bên cạnh đó, các mặt hàng như tôm, cá ngừ, mực, bạnh tuộc, cà phê, hạt điều dự kiến sẽ tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Điều này cho thấy một sự thay đổi lớn về tư duy của nông dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như vậy, hàng Việt Nam cũng cần đáp ứng ngày càng tốt hơn xu hướng tiêu dùng đang ngày càng khắt khe hơn. Từ những minh chứng về xuất khẩu nông thủy sản trong năm 2017 đã phần nào cho thấy đây là lĩnh vực mà Việt Nam có thể tạo ra cơ hội cho chính mình nếu biết thay đổi.
Với thế mạnh là nhà cung cấp hàng đầu những phân tích và dự báo chuyên sâu về ngành nông sản, Chuyên trang cơ sở dữ liệu về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra báo cáo về doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản 2017. Nội dung cung cấp trong báo cáo đa dạng, toàn diện từ tình hình xuất nhập khẩu chung (kim ngạch, mặt hàng, thị trường, top các doanh nghiệp xuất nhập khẩu), đến chi tiết xuất nhập khẩu từng mặt hàng nông sản (thị trường xuất nhập khẩu, top doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo từng mặt hàng), đồng thời kết hợp đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, cơ hội phát triển của ngành nói chung và thế mạnh, thách thức từng mặt hàng nông sản nói riêng. |
Nguồn: Báo Công thương