Theo báo cáo của Bộ NN & PTNT, trong tháng 7, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 2,47 tỷ USD, giảm 273 triệu USD tương đương 9,9% so với tháng 6/2015 và giảm 223 triệu USD tương đương 8,3% so với tháng 7/2014. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính đạt 1,9 tỷ USD giảm 8,9%, thủy sản đạt 532 triệu USD giảm 6,2% và lâm sản ước đạt 555 triệu USD giảm 7,1% so với tháng 6/2015.
Sang tháng 7/2015, các mặt hàng cà phê, cao su, gạo và điều đều có giá trị xuất khẩu cao hơn so với tháng 6, tuy nhiên, mặt hàng rau quả và sắn lại giảm mạnh lần lượt là 57,1% và 45%, lũy kế 7 tháng, xuất khẩu mặt hàng cà phê giảm sâu cả về lượng và giá trị tương đương mức 33,9% và 33,7%; gạo giảm 3,1% và 8,3%; chè giảm 8,9% và 5,7%. Lượng xuất khẩu tiêu giảm mạnh với mức giảm 20,6% nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng gần 30% nên giá trị đã tăng 1,9% so với cùng kỳ. Theo nhận định Bộ NN & PTNT, xuất khẩu nông sản tuy khởi sắc nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn; xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chính như: cà phê, cao su, gạo và sắn tiếp tục gặp khó khăn về thị trường.
Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, hiện nay, sức cạnh tranh hàng nông sản đang giảm. Ngoài nguyên nhân biến động tỷ giá thì khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến sức mua thị trường giảm. Việc tổng cầu giảm các quốc gia sẽ ra tăng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nền sản xuất trong nước, vì vậy, họ sẽ đưa ra áp dụng một cách chặt chẽ và khắt khe hơn các hàng rào kỹ thuật này để hạn chế hàng nhập khẩu. Trong khi các nước gia tăng bảo hộ đối với hàng nông sản gồm kiểm dịch động thực vật và kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm thì Việt Nam theo yêu cầu của chính phủ thực hiện cải cách hành chính tạo thông thoáng tối đa cho doanh nghiệp điều này hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên, ý thức tuân thủ các điều kiện xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao thậm chí còn rất thấp. Đặt trong bối cảnh này, sẽ dẫn đến việc các lô hàng doanh nghiệp xuất đi sẽ bị cảnh báo nhiều hơn về điều kiện an toàn sản phẩm và dịch bệnh, việc phát hiện nhiều lô hàng vi phạm sẽ càng làm giảm sức cạnh tranh hàng nông sản hiện đang suy giảm. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu nông sản bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển cao cũng khiến sức cạnh tranh nông sản kém đi.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Trung- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật chia sẻ, khi so sánh về giá vận chuyển hàng nông sản của Việt Nam với Thái Lan cùng vận chuyển 1kg hàng nông sản sang Nga thì Việt Nam đã cao hơn Thái Lan 2 USD do chính phủ Thái Lan có chính sách trợ giá vận chuyển. Bên cạnh đó là vấn đề giữ tải trọng, các doanh nghiệp nông sản đăng ký tải trọng vận chuyển bằng đường hàng không nhưng không giữ được vì hàng nông sản là mặt hàng thời vụ, trong khi đó bên hàng không đã có những hợp đồng vận chuyển mặt hàng truyền thống và lâu dài.
Ông Trung cũng kiến nghị Bộ NN & PTNT có đề nghị với Chính phủ có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng nông sản và ưu tiên tải trọng đối với mặt hàng nông sản, nhất là các mặt hàng nông sản tươi sống. “Với cước phí vận chuyện chiếm hơn 50% chi phí nếu không tháo gỡ những vấn đề này thì hàng nông sản sẽ rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác”, ông Trung nói.
Bộ NN & PTNT cho biết, trong tháng 8 và những tháng cuối năm, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tăng cường hoạt động Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực có thị trường. |
Theo Báo Công Thương