31/08/2011 15:46:41
VPA là Hiệp định đối tác song phương mang tính pháp lý giữa EU và quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ. Khi tham gia hiệp định này, các quốc gia đối tác thống nhất chỉ xuất khẩu vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp. Dự kiến, tháng 3/2013, EU sẽ áp dụng việc kiểm tra Chứng chỉ Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (FLEGT) khi nhập các sản phẩm gỗ của VN.
Cơ hội cho DN
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng khẳng định, FLEGT vừa là công cụ, vừa là cơ hội để chúng ta nhìn lại những lỗ hổng trong khai thác gỗ bất hợp pháp. Nói cách khác, thị trường gỗ bất hợp pháp sẽ phải tự điều tiết theo hướng thoái lui để nhường đường cho thị trường gỗ hợp pháp. Kiểu làm ăn nhỏ lẻ, mánh khóe cũng tất yếu bị thu hẹp, tạo điều kiện cho những DN làm ăn “đường đường chính chính” phát triển - một chuyên gia nhận xét.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Jiulinana Torta - Đại diện Tổng cục Môi trường thuộc Ủy ban Châu Âu tại Bỉ cũng khẳng định, tham gia FLEGT, sản phẩm gỗ xuất khẩu của DN VN vào EU, không những được ưu đãi về thuế mà còn bán được sản phẩm với giá cao hơn, được xuất khẩu vào tất cả các nước trong khối EU mà không bị bắt buộc đáp ứng thêm bất kỳ một yêu cầu nào khác về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ.
Mặc dù, các DN xuất khẩu các sản phẩm gỗ vào EU có thể tham gia hoặc không tham xin cấp chứng chỉ này. Tuy nhiên, theo lời khuyên của các chuyên gia, nếu các DN không tham gia xin cấp chứng chỉ có thể bị nhiều rủi ro như, khi các sản phẩm gỗ vào thị trường này phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc của gỗ. Nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của gỗ sẽ bị xử phạt.
Khó trước mắt
Phần lớn các DN hoạt động trong ngành gỗ hiện nay đều là DNNVV nên khả năng đáp ứng và thích nghi với FLEGT là điều khó khả thi. Số phận của gần 300.000 lao động trong ngành gỗ khi đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù EU đã đưa ra cam kết về việc hỗ trợ các DN và quốc gia áp dụng FLEGT nhưng với những DN nhỏ, họ khó có thể vươn tới các quy định về gỗ hợp pháp như dự kiến.
Ông Nguyễn Văn Thụ - Giám đốc Cty xuất khẩu gỗ nội thất Pisico tỏ ra lo ngại: DN chúng tôi thường xuyên xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường EU, Mỹ và tất cả các sản phẩm này đều đã có chứng chỉ FSC (chứng chỉ về quản lý rừng). Đến nay lại có thêm chứng chỉ FLEGT liệu có chồng chéo và tăng chi phí cho DN hay không ? Dưới góc độ nhà quản lý, ông Hà Công Tuấn - Phó tổng cục trưởng Cục lâm nghiệp Bộ NN& PTNT khẳng định: Các chứng chỉ khác như FSC, COC (chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm) sở dĩ có chi phí cao là DN phải mời các tổ chức quốc tế đến khảo sát và cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, với chứng chỉ FLEGT, DN không mất chi phí.
Được biết, trước ảnh hưởng của các quy định quốc tế đến hoạt động xuất nhập gỗ của VN, cụ thể là Đạo luật Lacey (hiệu lực từ tháng 4/2010) và Kế hoạch FLEGT (hiệu lực vào tháng 3/2013), Chính phủ đã giao Bộ NN & PTNT phối hợp xây dựng Kế hoạch toàn diện thích ứng với những quy định mới của thị trường EU và Hoa Kỳ. Nội dung kế hoạch bao gồm các nhóm hoạt động: tăng cường hiểu biết, nâng cao nhận thức; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực thi pháp luật; thúc đẩy quá trình cấp chứng chỉ rừng; và đàm phán với EU về VPA..
Theo DDDN