Bạn đang ở đây

Xuất khẩu gỗ vào châu Âu nhiều triển vọng khả quan

15/06/2017 07:43:38

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt gần 742 triệu USD, đây là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo đánh giá của bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), triển vọng phát triển ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ tại thị trường châu Âu trong năm 2017 được dự báo tăng trưởng khả quan hơn nhờ tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) vừa được Việt Nam và EU ký tắt vào tháng 5/2017.

Những lợi thế trên sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị trao đổi thương mại đối với các mặt hàng chủ lực, trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ. Cụ thể, thuế nhập khẩu ván ép và các sản phẩm tương tự sẽ loại bỏ thuế quan trong 3-5 năm; sản phẩm nội ngoại thất, mức thuế từ 2,7-5,7% hiện nay cũng sẽ được xóa bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Nhận định về cơ hội xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU, bà Bùi Thị Việt Anh, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn khẳng định, thị trường EU khá tiềm năng đối với ngành đồ gỗ nhưng quy định của thị trường này cũng khá gắt gao. Đơn cử, ngoài thuận lợi về thuế quan giảm, phía EU sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng mã hàng hóa, chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm gỗ hợp pháp.

Bên cạnh đó, khi hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với thị trường EU, nhiều DN Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa đang gặp nhiều áp lực trong việc thực hiện các quy định về chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ cũng như các tiêu chuẩn về mặt trách nhiệm xã hội, sự thân thiện với môi trường. Lâu nay, nhiều DN chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam chỉ tập trung vào việc sản xuất mà chưa chú ý đến quy trình quản lý cũng như kiểm soát nguồn gốc, các yếu tố về đời sống của người lao động...

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho rằng, EU là thị trường có truyền thống sản xuất đồ gỗ nên khi sản phẩm của Việt Nam đưa vào EU sẽ phải cạnh tranh với chính các nhà sản xuất của EU. Tuy nhiên khi đã bán được vào EU thì đồng nghĩa với việc tiếp cận các thị trường khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ông Gellert Horvath, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) cho rằng, để sản phẩm đồ gỗ Việt Nam vào thị trường EU, DN Việt Nam cần đầu tư công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm với nhiều mẫu mã đẹp tạo nên những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển bền vững.

“Ngoài ra, người tiêu dùng châu Âu cũng quan tâm đến các điều kiện để sản xuất sản phẩm đó như thế nào, chẳng hạn như môi trường, lao động có được tuân thủ hay không. Nếu sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đáp ứng đầu đủ những tiêu chí này thì cơ hội vào thị trường rất lớn”, ông Gellert Horvath nhấn mạnh.

Ở góc độ DN, ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát cho biết, các yêu cầu của nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đều hướng đến mục tiêu duy trì sự phát triển và hợp tác một cách lâu dài. Do đó, các DN nên chủ động nhìn nhận việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng môi trường, đời sống của lao động chính là xây dựng các giá trị cốt lõi và tạo dựng được uy tín, thương hiệu của mình đối với đối tác.

Việc tuân thủ các quy trình về kiểm soát chất lượng sản phẩm và các yêu cầu mang tính xã hội sẽ giúp DN hoạt động một cách hệ thống, hiệu quả và kết quả nhận được chính là sự hợp tác của rất nhiều khách hàng.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn, điều quan trọng với các DN nội địa, vốn chủ yếu là các DN nhỏ và vừa đó là phải đẩy mạnh liên kết giữa các DN chế biến gỗ với nhau và chủ động hơn trong nguyên liệu đầu vào.

Nguồn: Báo Công Thương