Bạn đang ở đây

Xuất khẩu gỗ 2017: Hai giải pháp cho mục tiêu 7,5 tỷ USD

27/02/2017 10:43:14

Chưa hết khó khăn

Những khó khăn của XK gỗ vẫn đang duy trì đến đầu năm 2017 khi theo thống kê của Bộ Công Thương, tháng 1/2017, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ chỉ đạt 620 triệu USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền – Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) - nguyên nhân khiến kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang chững lại so với các năm trước đây là do những biến động về địa chính trị khiến nhu cầu mặt hàng này của thị trường châu Âu – một trong những thị trường hàng đầu của các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời đang chững lại. Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu (NK) đồ gỗ lớn của Việt Nam, nhưng lại NK chủ yếu các sản phẩm thô, nguyên liệu sản xuất gỗ như gỗ dăm mảnh, trong khi XK các sản phẩm này đang bị hạn chế bởi nhiều lý do.

Khó khăn cũng đến từ việc thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu phục vụ XK, bởi hiện gỗ từ rừng trồng của Việt Nam có chất lượng không đồng đều, chủ yếu là gỗ có đường kính nhỏ. Sản lượng gỗ cũng hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu 31 triệu m3 gỗ phục vụ sản xuất trong nước và XK. Trong khi đó, nguồn gỗ NK cũng khó khăn khi các quốc gia láng giềng là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar… đều đưa ra chính sách cấm XK gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng. Chưa kể, khi Chính phủ Trung Quốc đã cấm khai thác và XK gỗ nguyên liệu, doanh nhân Trung Quốc sẽ tràn ra các nước trên thế giới để thu mua, gây áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) XK đồ gỗ.

Tận dụng cơ hội từ thị trường

Dù còn nhiều khó khăn nhưng bức tranh XK gỗ cũng có những mảng màu sáng. Cụ thể, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ sang nhiều thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có sự tăng trưởng đều đặn trong năm 2016 với con số lần lượt là 15%; 13% và 17,5%. Năm 2017, trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản được đánh giá vẫn là thị trường chủ đạo cho đồ gỗ XK do nhu cầu còn khá cao thì Hàn Quốc cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng nhờ động lực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Một số DN còn mở rộng thị trường XK sang Trung Đông - khu vực thị trường đang có nhu cầu cao lại không khắt khe về chất lượng, mẫu mã và bước đầu có kim ngạch XK tăng trưởng khá khả quan.

Ngoài ra, từ cuối tháng 11/2016, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán. Dù những biến động chính trị tại EU sẽ khiến việc XK sang thị trường này gặp khó khăn hơn, nhưng với việc giảm thuế tương đối mạnh, hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của đồ gỗ XK sang EU.

Doanh nghiệp chế biến gỗ nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu

Trong bối cảnh như vậy, ngành gỗ đặt mục tiêu năm 2017, kim ngạch XK sẽ tăng trưởng từ 8-10%, tương đương đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, để đạt mục tiêu này, 2 giải pháp lớn đã được ngành đề ra. Thứ nhất, chọn ưu tiên phát triển cho mặt hàng ván nhân tạo vì mặt hàng này hoàn toàn sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Nhiều DN trong nước cũng đủ điều kiện, công nghệ để sản xuất sản phẩm này. Thứ hai, đa dạng hóa thị trường XK theo hướng chuyển sang các thị trường mới nhưng đang có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông… thay vì chỉ tập trung vào các thị trường lớn nhưng đang gặp khó khăn là châu Âu, Trung Quốc…

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nền kinh tế thế giới được nhận định sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2017 và những năm tiếp theo khiến tốc độ tăng trưởng XK gỗ sẽ chậm lại. Do đó, các DN XK gỗ Việt Nam cần tính toán để xây dựng lộ trình phát triển, giá thành hợp lý để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Hiện nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường thế giới rất rộng lớn, khoảng 240 tỷ USD/năm, trong đó riêng thị trường Hoa Kỳ khoảng 30 tỷ USD/năm, EU khoảng 85 tỷ USD/năm…