10/09/2011 17:35:29
Rủi ro cao
Trong đó, luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho đồ gỗ nhập khẩu vào nước này từ ngày 1-4-2010 và quy chế mới của Liên minh châu Âu (EU) về tính hợp pháp của gỗ cũng chuẩn bị có hiệu lực vào tháng 3-2013.
Theo ông Hans Farnhammer, Bí thư thứ nhất Trưởng ban Hợp tác kinh tế (phái đoàn EU tại Việt Nam), hiện nay không chỉ EU xây dựng và đưa ra các biện pháp ngăn chặn việc buôn bán gỗ khai thác trái phép mà Hoa Kỳ đã sửa đổi luật Lacey, coi việc sử dụng gỗ bất hợp pháp là một tội ác. Nhật Bản cũng đưa ra chính sách mua sắm công và ngành công nghiệp của mình. Còn các nước như Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Na Uy cũng đang theo đuổi các biện pháp để ngăn chặn buôn bán gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp...
Như vậy, ngày càng có nhiều nước đưa ra chính sách để hạn chế sản phẩm gỗ không rõ nguồn gốc vào nội địa, nhằm chung tay bảo vệ rừng và môi trường.
Trong khi theo ông Nguyễn Tôn Quyền, ở nước ta, để bảo vệ rừng, Chính phủ đã thực hiện lệnh đóng cửa rừng, không cho phép dùng gỗ rừng để chế biến gỗ xuất khẩu. Do vậy, hiện nay ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đang phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước. Mặc dù Việt Nam đang có 3.400 doanh nghiệp và 600 xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, thu hút khoảng 300.000 lao động, nhưng do gỗ phải nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau nên thường gặp khó khăn trong kiểm soát tính hợp pháp và nguồn gốc gỗ.
Ông Hans Farnhammer cho rằng, để giữ vững hoạt động xuất khẩu gỗ ra thế giới, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần phải chủ động các giải pháp nhằm thích ứng với quy định mới liên tục thay đổi.
Thích ứng thế nào?
Để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể vượt qua rào cản, Bộ NN-PTNT và EU vừa tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) trong chương trình hành động tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (viết tắt FLEGT).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị khẳng định, việc các thị trường EU, Hoa Kỳ đặt ra yêu cầu loại trừ các sản phẩm gỗ bất hợp pháp hoặc gỗ đáng ngờ vào nội địa đặt ra không ít thách thức đối với sự tăng trưởng và danh tiếng của ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cam kết ủng hộ các quy định mới của quốc tế về chống buôn bán gỗ bất hợp pháp. Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, thực hiện kế hoạch thích ứng với những quy định mới của thị trường Hoa Kỳ và EU một cách toàn diện, trong đó có đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA trong khuôn khổ của Chương trình tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản với EU.
Theo đề xuất của ông Hans Farnhammer, để vượt qua các rào cản, Việt Nam cần phải xây dựng được một hệ thống truy xuất hiệu quả và kiểm tra tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu cũng như cả chuỗi chế biến và sản xuất gỗ, sản phẩm gỗ. Có vậy, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam mới đảm bảo tính ổn định và tăng trưởng.
Theo SGGP