Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nói trên Báo Công Thương: Theo Nghị định 84 hiện đang áp dụng, doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá nếu giá cơ sở (gồm giá thế giới, thuế, phí, lợi nhuận định mức...) tăng đến 7%.
Nếu giữ mức này, mỗi lần tăng giá doanh nghiệp được tăng tới khoảng 1.500 đồng/lít. Như vậy có thể tạo cú sốc cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi thực hiện theo Nghị định 83, thời gian tính giá cơ sở tính theo bình quân 15 ngày; nếu giá cơ sở tăng từ 0 – 3% thì doanh nghiệp tự quyết, từ 3 – 7% việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các Bộ, trên 7% là do Chính phủ quyết định.
“Sự tiến bộ này theo tôi sẽ xóa nhòa được những “cơn sóng” tăng giá xăng dầu”, ông Ruệ nhận định.
Tuy nhiên, khi Nghị định 83 có hiệu lực thì cần có Thông tư liên tịch hướng dẫn của hai Bộ Công Thương – Tài chính. Ông Ruệ cho rằng, thông tư phải làm rõ nhiều vấn đề trong Nghị định 83, đơn cử như thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu phải ổn định trong thời gian bao lâu cũng như mức ổn định là bao nhiêu?
Về ý kiến cho rằng, gần đây nhất, giá xăng chỉ giảm 30 đồng/lít, giảm ít như vậy là không cần thiết. Ông Ruệ nói: Giảm giá là rất cần thiết, thậm chí nếu giảm 20 đồng cũng nên giảm bởi giá trong nước phải theo giá thế giới, chúng ta không nên nói nhiều hay ít.
Thực tế, đây là cơ chế chính sách chứ không phải giá trị tăng giảm bao nhiêu. Cũng không thể có chuyện giá xăng dầu thế giới giảm 30 đồng mà chúng ta lại giảm 500 đồng.
Theo ông Ruệ, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải dùng nhiều xăng dầu như các hãng taxi, cần phải “bắt nhịp” theo giá xăng dầu bởi xăng dầu không thể cố định mãi một giá được. Khi giá xăng dầu đầu vào biến động thì doanh nghiệp phải chấp nhận. Vấn đề ở đây là quản lý làm sao cho phù hợp. Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, họ cũng không hề bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp luôn có kế hoạch, phương án kinh doanh cũng như dự báo, biện pháp xử lý khi biến động giá. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng muốn giá xăng dầu tăng giảm theo giá thế giới.
Theo Chinhphu.vn