Không phải đến hôm nay chúng ta mới nói đến vấn đề xây dựng thương hiệu cho chè Yên Bái và ai cũng hiểu rất rõ giá trị của thương hiệu, thế nhưng, chẳng ai lo cụ thể bởi xây dựng thương hiệu chè Yên Bái thì rất mông lung, vì ai làm, ai sẽ giữ và phát huy hình ảnh thương hiệu đó.
Có nhiều người, thậm chí cả giới khoa học cho rằng, Yên Bái là nơi thủy tổ của cây chè. Điều đó thực hư thế nào vẫn chưa rõ, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Yên Bái là một trong 3 địa phương đứng đầu về diện tích sản lượng chè và cũng là nơi có nhiều giống chè quý, chè ngon, cơ sở chế biến lớn. Thế nhưng, do không có thương hiệu hay nói đúng hơn là chưa có ai xây dựng thương hiệu nên chè Yên Bái phải bán giá rẻ hơn, thậm chí, ngay thị trường trong tỉnh cũng đang bị chè các địa phương khác lấn át.
Với diện tích gần 13.000ha, sản lượng búp gần 95.000 tấn, sản xuất, chế biến trên 25.000 tấn chè thành phẩm mỗi năm, đấy là chưa kể vùng chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng “có một không hai” trên thế giới, vậy mà chè Yên Bái đang bị chè các địa phương khác lấn át ngay sân nhà. Chè được trồng rộng khắp từ vùng chè Shan tuyết Suối Giàng, Gia Hội (Văn Chấn), Phình Hồ (Trạm Tấu), Nậm Khắt, ngã ba Kim (Mù Cang Chải) đến các vùng chè vùng thấp Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn... Hàng chục vạn hộ “thâm niên” trồng chè trên 40 - 50 năm trời và hàng trăm cơ sở, nhà máy chế biến chè trong đó, có Nhà máy Chè Trần Phú một thời đứng đầu Đông Nam Á về công suất cũng như dây chuyền, vậy mà, cho đến nay, không có lấy một thương hiệu. Ngoại trừ trong năm 2013, chè Suối Giàng của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn mới chính thức được đăng ký nhãn hiệu chè Suối Giàng - Yên Bái. Nhãn hiệu “Chè Suối Giàng - Yên Bái” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận theo Quyết định số 62700/QĐ/SHTT ngày 1/11/2012.
Không phải đến hôm nay chúng ta mới nói đến vấn đề xây dựng thương hiệu cho chè Yên Bái và ai cũng hiểu rất rõ giá trị của thương hiệu, thế nhưng, chẳng ai lo cụ thể bởi xây dựng thương hiệu chè Yên Bái thì rất mông lung, vì ai làm, ai sẽ giữ và phát huy hình ảnh thương hiệu đó. Thực tế cho thấy, tất cả các thương hiệu sản phẩm có tiếng từ trong nước đến nước ngoài đều gắn với một doanh nghiệp cụ thể. Sản phẩm mà không có thương hiệu thì phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong nền kinh tế thị trường. Cho dù sản phẩm làm ra có tốt đến đâu mà không có thương hiệu thì cũng khó mà phát triển mạnh được, luôn bị ép giá trên thị trường hoặc chính sản phẩm do mình làm ra lại bị một doanh nghiệp, đơn vị khác mua về đấu trộn, thậm chí chỉ việc đóng gói, gắn thương hiệu khác vào là đẩy giá thành lên cao gấp bội. Cũng vì, chẳng đơn vị doanh nghiệp nào xây dựng thương hiệu nên trong nhiều thập kỷ qua, chè Yên Bái luôn lép vế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng bào Mông xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu) thu hái chè Shan tuyết.
Một giám đốc doanh nghiệp chè có thâm niên trong làng chè Yên Bái (xin được giấu tên) chua xót: “Đau đớn lắm chứ! Rõ ràng, chè mình làm ra chất lượng chẳng thua kém ai thế mà họ mua với giá rất rẻ mạt về đấu trộn với sản phẩm cấp thấp của họ rồi dán nhãn mác vào bán với giá cao vài chục phần trăm mà mình không làm gì được”.
24.000 tấn chè thành phẩm mỗi năm nhưng hầu hết chúng ta phải tiêu thụ qua khâu trung gian hoặc xuất ủy thác, chỉ có một lượng nhỏ chè Suối Giàng, Bát Tiên, chè xanh, chè vo viên, chè đen sản xuất theo công nghệ CTC là bán nội tiêu hoặc xuất trực tiếp. Việc làm ngay lúc này là chúng ta phải xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chè của Yên Bái. Tỉnh cũng đã có cơ chế hỗ trợ cho việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản nói chung và đối với sản phẩm chè nói riêng.
Cơ chế chính sách hỗ trợ đã có nhưng việc xây dựng thương hiệu là phải do doanh nghiệp bởi chỉ có doanh nghiệp sản xuất, chế biến mới làm nên thương hiệu và giữ cho bền vững và phát triển. Doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu cũng cần phải thay đổi tư duy, tránh cách làm ăn chụp giật như một số doanh nghiệp hiện nay. Cùng với xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp cũng cần tổ chức lại sản xuất và liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Sản phẩm có tốt hay không phụ thuộc khá lớn vào nguyên liệu, trong khi đó, rất ít doanh nghiệp chủ động được. Doanh nghiệp không thể bỏ hàng trăm tỷ đồng để mua vùng nguyên liệu hay đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cho mình trong khi nguồn lực trong dân từ đất đai, vốn và lao động là rất lớn. Doanh nghiệp hãy liên kết với nông dân, để nông dân là những vệ tinh cung cấp nguyên liệu tốt cho doanh nghiệp nhưng “mối lương duyên” này có bền chặt, có vì nhau hay không thì doanh nghiệp và nông dân phải tính toán, bàn bạc đi đến một điểm chung nhất.
Vẫn biết, để xây dựng được thương hiệu đủ uy tín, đủ mạnh trên thị trường cần phải dài hơi và có chiến lược, lộ trình vững chắc nhưng chúng ta không thể không làm. Chỉ khi nào xây dựng được thương hiệu đủ mạnh thì ngành chè Yên Bái mới phát triển một cách ổn định, bền vững, doanh nghiệp mạnh, người làm chè sẽ sống và làm giàu từ chè.
Theo YBĐT