Bạn đang ở đây

Xây dựng kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng

02/10/2014 08:53:46

 Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu đang trở thành một trong những thế mạnh của kinh tế của Việt Nam.  9 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, với trên 90% các doanh nghiệp (DN) là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các DN còn gặp rất nhiều khó khăn trong tăng kim ngạch xuất khẩu. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Đầu tư và du lịch TP. Cần Thơ cho biết, các DNNVV chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thiết kế sản phẩm, thiếu vốn, trình độ quản lý chưa cao nên DN chưa có điều kiện trang bị các kiến thức về xuất khẩu.

Hoạt động xuất khẩu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô, ví dụ mặt hàng cá tra mới chỉ phi lê rồi xuất khẩu mà chưa có hoạt động chế biến sâu” – ông Nguyễn Khánh Tùng cho hay.

Sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường lớn và khó tính cũng là một trong những hạn chế của các DN Việt Nam. Theo ông Nguyễn Khanh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang hiện có 38 nghìn ha trồng vải, trong đó có 8 nghìn ha xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGap. Nhưng sản xuất theo tiêu chuẩn này mới chỉ giúp địa phương xuất khẩu được sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, diện tích vải có thể chuyển đổi sang tiêu chuẩn GlobalGap, nhưng những tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phải triển khai như thế nào, địa phương và doanh nghiệp chưa được biết.

Xác định nhóm hàng ưu tiên xuất khẩu

Nhằm hỗ trợ cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực xuất khẩu, Kế hoạch phát triển xuất khẩu vùng đã được Bộ Công Thương xây dựng. Đây là một trong những hoạt động chính trong giai đoạn khởi động của Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”.

Mục tiêu chính của Kế hoạch là phân tích và đề xuất kế hoạch hành động đối với các sản phẩm và ngành hàng là thế mạnh của 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam. Các nhóm hàng ưu tiên để phát triển xuất khẩu ở 3 miền bao gồm: Miền Bắc (Quả vải, chè, dệt may, giày dép, logistic, dịch vụ); miền Trung (Cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mật ong, cá ngừ, thủ công mỹ nghệ - xuất khẩu tại chỗ, thủ công mỹ nghệ mây tre lá, logistic, du lịch); miền Nam (Gạo thơm, trái cây tươi, cá tra, may mặc, thủ công mỹ nghệ, logistic, du lịch). Đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình là các Trung tâm xúc tiến thương mại/tổ chức hỗ trợ thương mại địa phương (hiệp hội, ngành hàng, liên minh hợp tác xã…) và các DNNVV.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với mục tiêu chung là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DNNVV Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn quốc.

Chương trình nằm trong Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ và được thực hiện trong 4 năm (2013 – 2017). Ba đầu mối triển khai Chương trình tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Theo Báo Công thương