Thực phẩm tăng nhẹ
Chỉ vài ngày sau khi giá xăng tăng khoảng 10% và điện tăng 7,5% thì giá các mặt hàng tiêu dùng thực phẩm tươi sống đã bắt đầu có những “biến chuyển”. Qua khảo sát của phóng viên, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội vào ngày 19/3 như: Mai Động, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Thanh Xuân Bắc, Nhân Chính… giá các mặt rau củ quả đang có mức tăng nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng. Cụ thể, giá bầu từ 17.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; giá bí từ 20.000 lên 22.000 đồng/kg; rau mùng tơi, rau muống từ 5.000đ lên 7.000 đồng/mớ; cải bắp từ 5.000 lên 6.000 đồng/kg; su hào ở mức 3.000 – 4.000 đồng/củ; cà chua 10.000 – 12.000 đồng/kg…
Giá thịt lợn cũng “ nhích” lên từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Hiện tại, thịt lợn hơi đang có giá 80.000 – 85.000 đồng/kg. Trong đó, thịt lợn rọi ở mức 90.000 đồng – 95.000 đồng/kg, thịt thăn 100.000 đồng/kg, sườn thăn 120.000 đồng/kg. Giá thịt gà ta được bán ra ở mức từ 140.000 đồng/kg. Các loại thủy, hải sản cũng tăng cao: cá trắm con to giá 100.000 đồng/kg, cá quả:120.000 đồng/kg, tôm sú từ 350.000 – 500.000 đồng/kg tùy loại, ngao: 20.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, thực phẩm tươi được vận chuyển hàng ngày nên giá xăng tăng thì thực phẩm cũng phải tăng. Đây cũng là hiệu ứng thường thấy mỗi khi giá xăng thay đổi. Thêm vào đó, thời tiết mưa phùn ẩm kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều cây rau xanh bị ủng, chậm phát triển dẫn đến nguồn cung bị hạn chế, giá cả cũng vì thế mà tăng theo.
Chị Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Sau khi hết Tết âm lịch, giá thực phẩm đã hạ xuống đôi chút, nhưng chưa kịp vui mừng bao lâu, nay giá xăng, điện vừa tăng là ngay hôm sau đi chợ đã thấy giá thực phẩm “chênh” hơn so với mọi ngày. Vậy mà, khi giá xăng dầu liên tục giảm, thì không thấy giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu có động thái giảm giá theo.
Thực phẩm tại chợ Thanh Xuân Bắc |
Tuy nhiên, tại các siêu thị, giá các sản phẩm lại không có nhiều thay đổi, thậm chí một số sản phẩm còn có khuyến mại giảm giá khá hấp dẫn. Tại hệ thống siêu thị Big C, giá cà chua chỉ còn ở mức 9.900 đồng/kg, bắp cải 5.600 đồng/kg, su su 4.900 đồng/kg, bí đỏ: 8.900 đồng/kg, bí đỏ: 19.900 đồng/kg, xà lách: 12.900 đồng/kg, rau cải: 17.900 đồng/kg, cải thảo: 20.500 đồng/kg...
Các mặt hàng thịt cá vẫn được giữ nguyên mức giá so với thời điểm trước khi xăng, điện tăng như: thịt lợn ba chỉ 98.900 đồng/kg, thịt lợn đùi 92.500 đồng/kg, gà ta nguyên con ở mức 119.900 đồng/kg… Đặc biệt, một số mặt hàng hải sản giảm giá mạnh như ngao: 12.900 đồng/kg, hàu sống: 39.900 đồng/kg, cá thu: 50.900 đồng/kg, mực ống: 129.900 đồng/kg…
Qua tìm hiểu, việc giảm giá là do các siêu thị đã có hợp đồng đặt hàng với các đơn vị cung cấp ngay từ ban đầu, đồng thời thực hiện cam kết bán giá tốt nhất cho khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng. Lợi nhuận trên mỗi sản phẩm có thể giảm đi, nhưng tổng thu lại tăng lên đáng kể nếu biết cân đối. Tuy nhiên, thực tế, để hàng hóa đến tay người tiêu dùng, các đơn vị bán lẻ phải bỏ ra rất nhiều chi phí, khâu trung gian, vì vậy nếu giá xăng dầu, điện tiếp tục tăng, các siêu thị cũng khó có thể giảm giá mạnh như hiện tại.
Cước vận tải ổn định
Bên xe Mỹ Đình luôn tấp nập |
Chúng tôi có mặt tại bến xe Mỹ Đình từ sớm, cảnh tượng nhộn nhịp, đông đúc vẫn như mọi khi. Theo các nhân viên phòng vé tại bến xe Mỹ Đình: giá vé xe đi các tỉnh vẫn chưa có bất cứ sự thay đổi gì đáng kể so với thời điểm trước khi xăng tăng giá. Đơn cử, giá xe đi Tuyên Quang đang là 155.000 đồng/lượt, Nam Định: 60.000 đồng/lượt, Phú Thọ: 44.000 đồng/lượt, Cẩm Phả ( Quảng Ninh): 150.000 đồng/lượt; Sa Pa (Lào Cai) 260.000 đồng/lượt… Trong thời gian tới, các nhà xe cũng chưa có động thái tăng giá trong thời gian tới.
Tại các bến xe Giáp Bát, Nước ngầm, Lương Yên… giá các loại cước vận chuyển hàng hóa và hàng khách cũng vẫn đang giữ được mức ổn định. Bên cạnh đó, giá cước taxi cũng không có nhiều biến chuyển. “ Giá cước vẫn được áp dụng từ 3 tháng nay là 11.000 đồng/km và chưa tăng giá (trước đó là 13.000 đồng/km)” – nhân viên hãng taxi Mai Linh cho biết.
Cước vận tải vẫn nằm chờ "nghe ngóng" |
Theo Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội, đợt này giá xăng tăng khoảng 10% còn giá dầu tăng ít hơn. Các doanh nghiệp vận tải chủ yếu sử dụng dầu diesel với mức tăng chưa đến 1.000 đồng/lít. Số tăng này chưa đến mức phải đàm phán lại hợp đồng về giá cước. Do vậy, các đơn vị vận tải sẽ tiếp tục nghe ngóng tình hình thị trường xăng dầu thế giới.
Song, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cảnh báo: Mức tăng giá điện, xăng lần này đều rất lớn, chắc chắn sẽ không tránh khỏi hiệu ứng tăng giá dây chuyền, tăng giá tâm lý. Trước đây, mỗi đợt giá xăng tăng, lập tức các hàng hóa dịch vụ đều lấy làm căn cứ để tăng giá, tình trạng này không dễ đối phó.
Theo Báo Công Thương