WB nhấn mạnh cùng với việc Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy tái cân bằng kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có xu hướng chậm lại vừa phải trong trung hạn.
Theo báo cáo của WB, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quí 1-2014 của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự suy giảm hiệu quả của các biện pháp "tăng trưởng ổn định" khi môi trường kinh tế bên ngoài ảm đạm.
Đánh giá định kỳ về nền kinh tế Trung Quốc, báo cáo chỉ ra một số rủi ro mà Trung Quốc phải đối mặt khi chuyển đổi kinh tế:
- Đầu tiên là nợ của các chính quyền địa phương ngày càng nhiều có thể dẫn đến sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng đầu tư tại các địa phương.
- Hai là chi phí vốn của ngành bất động sản và các ngành công nghiệp khác đột biến hoặc sáp nhập khó khăn có thể khiến hoạt động kinh tế giảm đáng kể.
- Ba là sự phục hồi kinh tế của các nước phát triển yếu sẽ khiến Trung Quốc không phục hồi được tăng trưởng xuất khẩu.
Tuy nhiên, so với dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự báo của WB vẫn lạc quan hơn nhiều. Ngày 5-6, IMF phát hành báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,3% dự báo trước đó xuống còn 7%.
IMF cho rằng nợ tích lũy, đặc biệt là nợ của các chính quyền địa phương và ngân hàng, ngày càng cao là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. "Tiếp tục dựa vào các khoản cho vay để thúc đẩy tăng trưởng đồng nghĩa nguy cơ tăng" – theo IMF.
IMF kiến nghị Trung Quốc không đưa ra gói thúc đẩy tín dụng để đảm bảo tăng trưởng vì như vậy chỉ làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng kinh tế của Trung Quốc. IMF chủ trương Trung Quốc cần đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Những cải cách này bao gồm tự do hóa lãi suất, tạo điều kiện cho sự ra đời của hệ thống bảo hiểm tiền gửi và cho phép xảy ra nhiều vụ doanh nghiệp nhà nước phá sản hơn.
IMF cũng kiến nghị trong vài năm tới, Trung Quốc nên giảm nợ của các chính quyền địa phương khoảng 569 tỉ nhân dân tệ (90 tỉ đô la Mỹ) mỗi năm, tương đương 1% GDP.