Bạn đang ở đây

Vui, buồn giá sữa

14/06/2016 13:45:30

Rất dễ nhận thấy, hiện tại, các hãng sữa ngoại đang nắm thị phần chi phối thị trường sữa Việt Nam, ít nhất cũng xấp xỉ 3/4 (số liệu của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor), tất nhiên, họ nắm “quyền năng” đưa giá “lên trời “theo ý muốn.

Đặc biệt, các hãng sữa ngoại đã “đóng đinh” vào tư duy người tiêu dùng là sữa ngoại mới tốt, mang đến sự thông minh vượt trội. Chính vì vậy, rất nhiều bà mẹ hăm hở mua sữa bột ngoại với mong muốn con mình sẽ thông minh hơn. Chính các “phan” cuồng sữa bột ngoại đã trao cho các hãng sữa quyền được tăng giá tùy thích. Trăm người bán, vạn người mua, ắt giá sữa chỉ tăng mà khó giảm.

Một lý do quan trọng nữa: Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 70% sản phẩm sữa tiêu dùng, trong đó 50% là nguyên liệu sản xuất sữa và 20% sữa thành phẩm. Bởi vậy, mỗi lần tăng giá sữa, các hãng sữa đều lấy lý do giá sữa nguyên liệu thế giới tăng, khó ai kiểm tra nổi (?).

Có lẽ hiếm có quốc gia nào giá sữa tăng nhanh như Việt Nam. Từ năm 2013-2014, giá các loại sữa bột ở Việt Nam tăng ít nhất 7-10%, cá biệt có loại tăng đến 15%. Chính vì vậy, Bộ Tài chính buộc phải “thử” áp đặt giá trần sữa trẻ em áp dụng từ ngày 1/6/2014 đến 31/12/2016 nhằm ngăn chặn tình trạng giá sữa tăng vô lối.

Tuy nhiên, sau 2 năm thực thi, các doanh nghiệp sữa lên tiếng phản đối, lý do: “Chiếc gậy” hành chính “cứng” giá trần sữa không đạt hiệu quả như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp sữa ngoại lách quy định giá trần bằng cách đổi tên sản phẩm để bán vào thị trường nội địa, không quản lý được. Đồng thời, lượng sữa tiêu thụ của doanh nghiệp nội giảm mạnh, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có một thông tin không biết nên vui hay buồn: Có khả năng Bộ Tài chính sẽ bỏ giá trần sữa trẻ em trước 6 tháng, từ ngày 1/7/2016. Có thể đó là tin vui với doanh nghiệp sữa, nhưng lại là tin buồn đối với các bà mẹ Việt bởi giá sữa lại một lần nữa được “thả lỏng”.

Song, điều đó có lẽ không quan trọng bằng phương cách quản lý phân khúc thị trường rất quan trọng này. Không ai phủ nhận quản lý bằng mệnh lệnh hành chính là trái với kinh tế thị trường. Thế nhưng, điều cốt lõi trong quản lý thị trường sữa là gì? Giá, chất lượng hay chống độc quyền...? Chưa có câu trả lời xác đáng!

Nguồn: Báo Công Thương