Xin ông cho biết một số diễn biến chính của vụ kiện?
Vụ việc phát sinh từ ngày 19/12/2013, khi EC ra thông báo khởi xướng điều tra đối với sản phẩm sợi PSF nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Giai đoạn điều tra từ ngày 1/10/2012 - 30/9/2013, bị đơn bắt buộc của Việt Nam có 3 doanh nghiệp (DN).
Ngày 19/12/2013, EC đã chính thức gửi các bản câu hỏi cho các chính phủ, trong đó có Việt Nam. Để bảo đảm đúng quy trình, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cùng các địa phương và DN trả lời các câu hỏi của EC. Từ ngày 1 - 14/4/2014, EC cử phái đoàn điều tra tại chỗ để làm việc với DN; từ 19 - 25/5/2014, EC làm việc với các cơ quan quản lý trung ương và địa phương của Việt Nam.
Theo tính toán của EC, biên độ trợ cấp của Việt Nam chỉ có 1,25%. Trong khi đó, theo quy định của WTO và EC, một vụ việc điều tra chống trợ cấp áp dụng với sản phẩm có xuất xứ từ một nước đang phát triển phải được chấm dứt nếu cơ quan có thẩm quyền liên quan xác định được rằng, biên độ trợ cấp không vượt quá 2%. Bởi vậy, ngày 16/12/2014, EC chính thức ra thông báo cuối cùng chấm dứt vụ kiện điều tra.
Đánh giá của ông về sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước và DN trong vụ kiện?
Vụ việc này thể hiện rất rõ giá trị của việc phối hợp chặt chẽ của các cơ quan từ trung ương đến địa phương. Trong đó, có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng sự phối hợp nhịp nhàng, nhiệt tình của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác.
Mặt khác, sự phối hợp này thể hiện rõ thiện chí và tinh thần hợp tác nghiêm túc của Việt Nam. Cục Quản lý cạnh tranh đã hướng dẫn DN quy trình, cách thức chuẩn bị tài liệu, hồ sơ phục vụ cho cuộc điều tra tại chỗ. Mặt khác, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Tham tán Việt Nam tại Bỉ cũng có vai trò quan trọng trong việc cập nhật tình hình, tham mưu cho Việt Nam.
Việt Nam luôn thực hiện đúng các cam kết của WTO |
Theo ông, kết luận của EC có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
Đây là thành công lớn đối với Chính phủ và DN Việt Nam. Kết luận này đã thể hiện Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện đúng và nghiêm túc các cam kết của WTO.
Điều quan trọng nữa, không bị áp thuế chống trợ cấp đồng nghĩa với việc DN Việt Nam không những không bị mất thị phần mà hoàn toàn có thể tự tin, mạnh dạn đẩy mạnh hoạt động tại thị trường châu Âu. Đây là vụ kiện chống trợ cấp đầu tiên của EC đối với Việt Nam, kết quả cuối cùng nêu trên đặc biệt có ý nghĩa, sẽ tạo tiền lệ tích cực cho Việt Nam trong các vụ việc tương lai.
Nguồn: Báo Công Thương ĐT