Bạn đang ở đây

Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh doanh Xanh tại Congo

14/05/2012 10:06:01

Tại phiên khai mạc ngày 8/5 đã có hơn 500 đại biểu đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Á tham dự. Đoàn Việt Nam gồm 14 thành viên trong đó có đại diện Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 8 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, chế biến gỗ do ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á làm Trưởng đoàn. Về phía nước chủ nhà Congo có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững, Kinh tế rừng và Môi trường, Thị trưởng thành phố Pointe-Noire, Chủ tịch Phòng Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Ngành nghề thành phố Pointe-Noire. Về phía các tổ chức quốc tế có đại diện của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia khu vực Trung Phi (CEEAC), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Mục tiêu của Diễn đàn này là giới thiệu và triển khai đề án nghiên cứu tính khả thi về phát triển nền kinh tế xanh tại khu vực Trung Phi; cung cấp thông tin về kinh doanh xanh; tổ chức cuộc gặp B to B giữa doanh nghiệp các nước; giới thiệu những cơ hội kinh doanh xanh tại Congo và châu Phi; tôn vinh những doanh nghiệp thân thiện với môi trường của Congo và châu Phi.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Henri Djombo, Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững, Kinh tế rừng và Môi trường giới thiệu đôi nét về ngành gỗ Congo. Việc khai thác gỗ tại Congo đáp ứng được hai yêu cầu của Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững tại Copenhagen và Durban, là bảo vệ rừng để chống lại sự nóng lên của trái Đất và bảo đảm sự phát triển bền vững cho các nước mà ở đó gỗ là một nguồn kinh tế quan trọng. Congo hiện đang tích cực chuẩn bị cho việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Rio+20 vào tháng 6 tới. Congo cũng đang triển khai chương trình trồng 1 triệu ha rừng và kể từ năm 2000, áp dụng Bộ luật về lâm nghiệp theo đó 80% gỗ tươi của Congo phải được chế biến tại địa phương nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tạo công ăn việc làm, phát triển ngành công nghiệp chế biến, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến gỗ tại Congo.

Sau phần khai mạc, đại diện nước chủ nhà Congo đã giới thiệu chi tiết những cơ hội kinh doanh và đầu tư tại thị trường này. Cộng hòa Congo là một trong những quốc gia có diện tích rừng lớn nhất tại châu Phi (ước khoảng 25 triệu ha rừng), do đó quốc gia Trung Phi này đang tìm kiếm đầu tư của các công ty nước ngoài vào ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ - lĩnh vực kinh tế quan trọng chỉ đứng thứ hai sau dầu mỏ.

Tại CH Congo, rừng bao phủ 25 triệu ha, tương đương khoảng 70% lãnh thổ quốc gia. Đây là nước có diện tích rừng lớn thứ hai ở châu Phi sau CH Dân chủ Congo (Congo Kinsasa). Ngoài rừng tự nhiên, Congo còn trồng mới 86.000 ha chủ yếu là bạch đàn (73.000 ha), limba (7.500 ha), thông (4.500 ha) và các loại cây khác (1000 ha).

Tiềm năng khai thác gỗ ước đạt 2 triệu m3/năm, tuy nhiên nước này chưa bao giờ đạt sản lượng trên con số 850.000 m3. Những cây gỗ chính gồm có cây trám hồng, gỗ teck, gụ, bạch đàn, gỗ limba, gỗ xoan đào (sapelli).

Ngành lâm nghiệp của CH Congo vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tuy nhiên đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất gỗ tròn, gỗ xẻ giảm từ 77.109 m3 trong năm 2009 xuống còn 14.662 m3 trong năm 2010 do giá gỗ xẻ trên thị trường quốc tế vẫn thấp. Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu từ các nước châu Á đặc biệt là từ Trung Quốc (70% gỗ của Congo được xuất sang Trung Quốc), Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang mở ra triển vọng mới cho ngành khai thác gỗ của nước này. Ở Congo hiện có 2 công ty chi phối ngành sản xuất gỗ là Olam - tập đoàn có trụ sở tại Singapore và công ty gỗ CIB của Congo, chi nhánh của tập đoàn Đan Mạch Dalhoff Larsen & Horneman.

Năm 2011, Congo tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm giảm những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với ngành gỗ như xuất khẩu đến 30% gỗ tươi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán thuế đốn cây. Việc chế biến gỗ vẫn là một lựa chọn ưu tiên của Congo với việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Hơn nữa, việc áp dụng giấy phép chứng nhận gỗ sẽ giúp nước này thu được nhiều lợi ích.

Mục tiêu của chính sách lâm nghiệp CH Congo là bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và sinh thái của đất nước trên cơ sở quản lý bền vững các nguồn tài nguyên rừng và hệ động vật trong đó:

Về mặt công nghiệp, Congo chủ trương chế biến gần như toàn bộ gỗ sản xuất trong nước. Phát triển một ngành công nghiệp gỗ tích hợp có năng suất cao và về trung hạn, cơ cấu lại các nhà máy chế biến gỗ hiện nay; Nâng cao hiệu quả của các đơn vị công nghiệp phụ trách những rừng trồng bạch đàn và thông. Ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật cho ngành công nghiệp gỗ.

Về mặt xuất khẩu, cho phép xuất khẩu có thời hạn các loại gỗ có giá trị gia tăng cao hơn giá trị mà ngành công nghiệp chế biến gỗ địa phương mang lại. Tuy nhiên, những giao dịch này không được vượt quá một số mức trần quy định đối với các loại gỗ tươi. Thiết lập một loại phí đối với gỗ xuất khẩu thu theo hướng giảm dần tùy theo mức độ chế biến xuống còn 0% đối với hàng thành phẩm. Tăng cường việc kiểm soát gỗ xuất khẩu và theo dõi các thị trường xuất khẩu nhằm tối ưu hóa các nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Về mặt thuế, dành cho các công ty lâm nghiệp những ưu đãi thuế quan bằng cách áp dụng bộ luật đầu tư sửa đổi. Áp dụng hệ thống thuế lâm nghiệp linh hoạt có tính đến những vùng sản xuất gỗ khó tiếp cận. Nâng cao giá trị gia tăng của gỗ ngay tại địa phương.

Ông Henri Djombo, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Cộng hòa Congo cho biết Congo mong muốn phát huy thế mạnh của ngành công nghiệp gỗ bằng cách kêu gọi doanh nghiệp của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam... hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực này.

Nhân dịp này, đại diện của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia khu vực Trung Phi (CEEAC) cũng giới thiệu về tiềm năng của ngành gỗ trong tiểu vùng.

Gỗ là một trong những nguồn thu nhập chính đối với nhiều quốc gia khu vực Trung Phi (Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Tchad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Guinea Xích Đạo, Gabon và São Tomé và Príncipe) chỉ đứng sau dầu lửa. Theo uớc tính, lĩnh vực gỗ chiếm khoảng từ 7 đến 10% GDP của tiểu vùng.

Vùng rừng nằm ở lưu vực sông Congo có diện tích 210 triệu ha, chiếm 26% diện tích rừng nhiệt đới ẩm trên thế giới và 70% thảm rừng ở châu Phi. Đây là lưu vực có tiềm năng rừng lớn thứ hai thế giới sau vùng rừng Amazone.

Theo những thống kê mới đây của Tổ chức Rừng nhiệt đới thế giới, diện tích rừng khu vực Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) gồm 6 quốc gia nói tiếng Pháp là Cameroon, CH Congo, Gabon, Ghi nê Xích đạo, CH Trung Phi và Tchad chiếm 40% diện tích rừng khu vực Trung Phi. Các nước thuộc CEMAC có 88,234 triệu ha rừng trong đó 88,144 triệu ha là rừng tự nhiên và 120.000 ha rừng trồng chiếm lần lượt 78% và 22% diện tích rừng bao phủ của toàn khu vực Trung Phi.

Sau phần trình bày các nghiên cứu, 400 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ trong đó có Việt Nam đã tiến hành tiếp xúc trực tiếp (B to B).

Tại châu Phi, các nước thuộc khối CEMAC cung cấp nhiều gỗ nguyên liệu nhất cho Việt Nam. Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam từ CEMAC đạt 99 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2010 và chiếm 84% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ châu Phi. Đây cũng là mặt hàng nhập khẩu chủ lực của nước ta từ khu vực này, chiếm 78% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng từ CEMAC (127,5 triệu USD).

Trong khối CEMAC, Cameroon là nước cung cấp gỗ lớn nhất cho Việt Nam đạt kim ngạch 77,8 triệu USD năm 2011, bằng 79% tổng giá trị nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ CEMAC và bằng 66% tổng giá trị nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ cả châu Phi. Tiếp đến là Gabon, CH Congo, Guinee Xích đạo và CH Trung Phi.

Việc tham gia Diễn đàn là dịp tốt giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tìm hiểu thông tin thị trường, những quy định về xuất nhập khẩu gỗ, tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Congo và của các nước khác đến từ khu vực Trung và Tây Phi, giới thiệu catalogue và hàng mẫu, đi thăm các cơ sở sản xuất, hệ thống phân phối, trao đổi thông tin về nhu cầu, giá cả để tiến tới ký kết hợp đồng.

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á