Đêm 2/12 theo giờ Việt Nam, tại trụ sở Liên minh Châu Âu ở Thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU). Việt Nam đã trở thành một trong những nước ASEAN đầu tiên kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU- một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với 28 nước thành viên.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU kết thúc đàm phán sau 14 phiên họp kéo dài trong hơn 5 năm qua. Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng hứa hẹn sẽ mở rộng thị trường cho trao đổi thương mại, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ hai bên có thế mạnh để bổ sung cho nhau; tạo ra môi trường bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Sau khi được phê chuẩn, Hiệp định này có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế, nhất là phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị của hàng hóa Việt Nam. Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 31 tỷ USD trong 9 tháng năm nay, trong đó Việt Nam xuất khẩu tới gần 23 tỷ USD...
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để phát huy các lợi ích mà FTA Việt Nam - EU mang lại cho người dân và doanh nghiệp hai bên, Việt Nam mong muốn cùng Liên minh Châu Âu sớm chính thức ký, phê chuẩn Hiệp định này và công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cùng thời điểm Hiệp định có hiệu lực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Quan hệ Việt Nam với Liên minh châu Âu trong thời gian qua phát triển tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, bao gồm cả chính tri, ngoại giao, văn hóa xã hội và điểm sáng là quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển. Chúng tôi mong muốn EU hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) vào đầu năm 2016. Để đưa quan hệ hợp tác Việt Nam và EU đi vào chiều sâu, hiệu quả, hai Bên cần tăng cường tiếp xúc, tham vấn; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực hai bên có thế mạnh bổ sung cho nhau như thông tin truyền thông, công nghệ kỹ thuật cao, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng nông hải sản, dịch vụ tài chính, đầu tư, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu....”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Liên minh Châu Âu tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông - nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng với lượng hàng hóa lưu chuyển hàng năm trị giá 5.000 tỷ USD, trong đó có lượng lớn hàng hóa của Châu Âu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam luôn chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế, không gây phức tạp và căng thẳng tình hình. Theo tinh thần đó, chúng tôi ủng hộ việc các bên liên quan cùng cam kết không theo đuổi, không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).Việt Nam ủng hộ sự tham dự sâu rộng của EU vào các vấn đề ở khu vực Đông Nam Á và sẽ nỗ lực thúc đẩy xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU. Chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò cầu nối để các doanh nghiệp EU tiếp cận thuận lợi vào các thị trường mà Việt Nam có quan hệ thương mại tự do, thị trường ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn và nhiều tiềm năng…”.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Liên minh Châu Âu và các nước thành viên đã hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và mong muốn Liên minh Châu Âu tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu, rộng, hiệu quả vào kinh tế quốc tế...
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker nhấn mạnh: Việt Nam và EU Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do không phải là kết thúc một quá trình mà đây mới là bước khởi đầu mới với nhiều tham vọng mà cả hai bên đều mong muốn và cùng nỗ lực đạt được.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng bày tỏ mong muốn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ sớm ký kết, góp phần nâng quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên minh Châu Âu lên tầm cao mới, vì lợi ích, thịnh vượng của nhân dân hai bên, đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã chứng kiến Lễ ký Hiệp định tài chính Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam./.
Theo VOV