Chính vì vậy, trước một số ý kiến còn băn khoăn liệu chúng ta sẽ thu được gì khi tiếp tục đẩy mạnh hội nhập hơn nữa qua việc tham gia đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do; trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có những giải đáp về vấn đề này.
Cán cân thương mại xuất nhập khẩu cân bằng hơn
Đánh giá về những mặt tích cực sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Việt Nam trở thành thành viên của WTO vào tháng 1/2007, đến nay qua hơn 6 năm thực hiện, Việt Nam đã có những đánh giá về kết quả đạt được cũng như những hạn chế cần phải rút kinh nghiệm.
Kết quả nổi bật nhất về mặt kinh tế là xuất khẩu. Từ năm 2007 đến nay, nước ta đã tăng trưởng xuất khẩu từ con số 48 tỷ USD lên trên 130 tỷ USD (ước lượng) của năm 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.
Cùng với tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam cũng giảm dần tỷ lệ nhập siêu với mức giảm rất nhanh từ mức 30% so với kim ngạch xuất khẩu của năm 2007, đến năm 2013 khả năng chỉ còn 0,48%.
Như vậy, cán cân xuất nhập khẩu đã tương đối cân bằng. Đi đôi với kết quả rất tốt của hoạt động xuất nhập khẩu, việc thu hút trực tiếp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua việc thực hiện các cam kết WTO cũng thu được kết quả rất lớn, đây chính là tác động qua lại lẫn nhau giữa phát triển thương mại, phát triển xuất nhập khẩu với thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, về mặt thể chế, theo Bộ trưởng, thông qua các cam kết WTO, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động kinh tế, thương mại và các hoạt động liên quan.
Nói về mặt hạn chế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, qua một thời gian thực hiện, những vấn đề mà Việt Nam đã lường trước được thể hiện rõ, đó là không ít doanh nghiệp, không ít lĩnh vực khả năng cạnh tranh của chúng ta còn kém, việc thích ứng với hội nhập còn ở mức độ nhất định. Vì vậy, nếu không kịp thời có biện pháp khắc phục kể cả ở cấp độ Nhà nước, cấp độ doanh nghiệp, cấp độ sản phẩm thì những hạn chế, những tác động tiêu cực của việc tham gia WTO sẽ tác động sâu sắc tới nền kinh tế nước ta.
Về vấn đề tham gia đàm phán, ký kết TPP, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta lần lượt đàm phán với các khu vực thương mại tự do (FTA) khác như TPP với 12 nước tham gia, khu vực này hiện chiếm 40% tổng GDP và 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu.
“TPP là một hiệp định được kỳ vọng có chất lượng cao, nhiều nội dung cao hơn mức cam kết của WTO. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đàm phán, ký kết được Hiệp định này thì trước hết về mặt kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường thu hút FDI,” Bộ trưởng nói.
Cùng với đó, Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương đem lại, từ đó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Về mặt chính trị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, việc tham gia TPP sẽ góp phần nâng cao hơn vị thế của Việt Nam trên chính trường khu vực và thế giới.
Đó chính là những mặt tích cực và sẽ đạt được khi Việt Nam tham gia TPP. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sẽ không tránh khỏi những mặt hạn chế ảnh hưởng mà chúng ta phải dự báo trước, đề phòng trước để có những ứng phó kịp thời, nhất là vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Lĩnh vực nông nghiệp cần sự chuẩn bị chu đáo
Nhận định lĩnh vực nào dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam tham gia TPP, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ: “Cũng tương tự như những hiệp định trước đây chúng ta đã đàm phán và ký kết, bên cạnh những mặt tích cực thì chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đó lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất đó chính là ngành nông nghiệp.
Hiện tại, Việt Nam vẫn cơ bản là một nước nông nghiệp, nhiều sản phẩm hàng hóa của ngành nông nghiệp do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp và áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên giá thành sản xuất còn cao, thậm chí còn cao hơn cả những nước có nền kinh tế lớn trong khu vực. Chính vì thế, việc mở cửa thị trường nhập khẩu ít nhiều sẽ có những tác động đến sản phẩm hàng hóa này.”
Bộ trưởng cho hay: “Lường trước được việc này nên trong những trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của TPP, chúng ta đã yêu cầu TPP phải là một hiệp định cân bằng về lợi ích, tức là nước nào cũng phải có lợi ích và tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển.
Nghĩa là đối với một nước có trình độ phát triển còn chậm như Việt Nam, chúng ta yêu cầu phải có một lộ trình thích hợp cho việc thực hiện cam kết của chúng ta, nghĩa là cuối cùng Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết, nhưng cần phải có thời gian, không phải thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực như việc giảm thuế, miễn trừ thuế…”
Mặt khác, với thời gian như vậy, các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu cần có thời gian khắc phục những yếu kém và nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Đối với việc tham vấn các doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đây là những sinh hoạt thường xuyên của Đoàn đàm phán Chính phủ và của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành và trong TPP. Chúng ta đã tham vấn những doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Thủy sản….
“Với việc làm tốt hơn công tác tham vấn và những hoạt động tuyên truyền, giải thích rõ để doanh nghiệp hiểu được, nắm bắt được những lợi thế, những ưu đãi khi chúng ta tham gia TPP, từ đó, chắc chắn Việt Nam sẽ lường trước được những khó khăn để có những biện pháp khắc phục,” Bộ trưởng khẳng định./.
(Theo VietnamPlus)