Với trên 23 nghìn héc-ta, cây quế vừa là cây trồng gắn với tín ngưỡng của cộng đồng bào dân tộc Dao, vừa là cây kinh tế làm giàu cho hàng vạn nông dân Văn Yên. Thế nhưng, năng suất và giá trị của loại cây này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chính vì thế, Lễ hội quế Văn Yên sẽ là cơ hội để mọi tầng lớp nhân dân, du khách, doanh nghiệp hiểu thêm về “cây vàng xanh” này .
Theo dự kiến, Lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 25 - 27/9 tại xã Viễn Sơn với nhiều chương trình, nội dung đặc sắc. Trong đó, nổi bật là các hoạt động chính như: triển lãm, giới thiệu sản phẩm quế của 8 xã thuộc chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên; triển lãm văn hóa - du lịch Văn Yên; triển lãm văn hóa ẩm thực dân tộc đặc sắc Văn Yên. Bên cạnh đó, các nghệ nhân sẽ thao diễn kỹ thuật tay nghề thủ công mỹ nghệ từ quế.
Theo ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, tất cả các bộ phận của cây quế như: vỏ, thân gỗ, lá, rễ đều có giá trị sử dụng trong một số ngành sản xuất và đời sống nên đều có thể trở thành hàng hóa. Sản phẩm của quế vỏ và tinh dầu quế được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, dược phẩm, hóa mỹ phẩm. Vỏ cây quế là sản phẩm có giá trị nhất bởi vì lượng tinh dầu được tập trung chủ yếu ở bộ phận này, dầu quế thành phần chính là aldehyd cinamic chiếm từ 70 - 95%.
Ngoài ra, trong công nghiệp có thể tách lấy aldehyd cinamic làm hương liệu và để chuyển hóa tổng hợp thành các chất thơm trong công nghiệp hàng tiêu dùng làm nguyên liệu chế biến xà phòng, nước hoa, dầu chải, phấn sáp… Lá, hoa đều có thể chưng cất được tinh dầu, quế còn dùng để trong nhà có hương vị rất tốt cho sức khỏe. Trong y học, quế được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, vỏ quế được mài ra trong nước đun sôi để nguội và uống. Vị quế chi không thể thiếu trong các bài thuốc chữa xương khớp, tiêu hóa, cảm mạo và có tính chất sát trùng. Dự kiến, Lễ hội thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Lưu Trung Kiên cho biết: “Qua Lễ hội, Văn Yên mong muốn giới thiệu sản phẩm quế và thương hiệu quế Văn Yên tới bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao hiểu biết của xã hội về vai trò của cây quế đối với thương mại, kinh tế và đời sống nhân dân, định hướng cho người dân tiếp tục bảo tồn và phát huy các biện pháp canh tác có hiệu quả, bảo đảm chất lượng của cây quế”.
Nằm trong khuôn khổ của Lễ hội, chợ quê sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chất lượng được sản xuất trong huyện nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cùng các sản phẩm, ẩm thực đặc trưng của dân tộc Dao và các dân tộc khác trong vùng quế. Đặc biệt, vào tối ngày 26/9, dự kiến sẽ diễn ra đêm chung kết Hội thi “Người đẹp vùng quế”.
Các thí sinh tham gia Hội thi chủ yếu là người dân tộc Dao và một số dân tộc khác đến từ 8 xã của vùng quế trên địa bàn huyện. Ngoài ra, những hoạt động như đêm nhạc ngọt ngào vùng đất quế, tái hiện lễ cấp sắc 12 đèn, đám cưới người Dao, lễ hội cầu mùa, biểu diễn hát Páo dung dân tộc Dao, du lịch tham quan đồi quế, tôn vinh người trồng quế… sẽ diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội.
Theo ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vùng trồng quế của huyện Văn Yên thuộc các xã vùng cao là địa bàn sinh sống của người Dao với nghề trồng quế lâu đời như: Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn. Người Dao nơi đây chịu khó, cần cù, gắn bó với cây quế, nghề quế từ lâu đời. Do đó, những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như kỹ thuật chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Là một trong những xã trọng điểm của vùng quế, lâu nay, người dân Viễn Sơn đã không ngừng mở rộng diện tích trồng quế, đưa cây quế trở thành cây kinh tế chủ lực trong xóa đói giảm nghèo.
Ông Bàn Phúc Hín - Chủ tịch xã UBND Viễn Sơn cho biết: “Qua Lễ hội lần này, chúng tôi mong muốn giúp mọi người biết thêm về cây quế và hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Viễn Sơn nói riêng, huyện Văn Yên nói chung và để nhân dân các dân tộc trong huyện gần nhau hơn. Đây còn là cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của người trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ quế”.
Với những hoạt động đặc sắc, Lễ hội quế sẽ là dịp mở rộng quảng bá, giới thiệu nhằm mở rộng thị trường sản phẩm từ cây quế tới các thị trường lớn hơn, tiềm năng hơn. Đồng thời, góp phần giữ gìn, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Văn Yên nhằm khai thác, quảng bá các tuyến, tour du lịch, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và là điểm đến của du khách thời gian tới.
Theo YBĐT