31/08/2011 16:37:30
Những mục tiêu định hướng đó không phải là không có lý, cùng với Quyết định số 09/QĐ-UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho người làm chè là điều kiện tốt cho phát triển cây chè. Bên cạnh đó, điều kiện đất đai, khí hậu, lao động dồi dào, nhân dân trong vùng có kinh nghiệm sản xuất, chế biến kinh doanh chè là điều kiện tốt cho thực hiện đề án.
Tuy nhiên, qua hơn một năm thực hiện Đề án đang gặp phải những khó khăn cần được tháo gỡ. Năm 2008, huyện giao kế hoạch cho 6 xã thực hiện trồng mới, trồng cải tạo 103 ha chè, nhưng hết năm bà con nhân dân trong vùng thực hiện chỉ đạt 50% kế hoạch. Xã Yên Hưng được giao 30 ha, nhưng chỉ được nghiệm thu 7 ha; An Thịnh 12 ha, nghiệm thu 2,1 ha; Yên Thái 20 ha, nghiệm thu chỉ được 7,3 ha…
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến diện tích trồng không đạt kế hoạch, tỷ lệ được nghiệm thu thấp như vậy, người dân không mặn mà với đề án? Qua thực tế tìm hiểu được biết, nhiều diện tích trồng cải tạo do trong quá trình triển khai, chỉ đạo thực hiện còn lúng túng, không sâu sát thực tế. Người dân thiếu kỹ thuật, làm đất, trồng chè không đảm bảo mật độ, không đầu tư phân bón, trồng cây che bóng. Trồng đã không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, khi chăm sóc trong thời kỳ kiến thiết cơ bản lại không được chú trọng.
Xã Yên Hưng và An Thịnh là hai xã điển hình trồng mới, trồng thay thế nhỏ lẻ, manh mún, không tập trung, nhiều diện tích trồng trên đỉnh đồi cao, độ dốc lớn không nằm trong diện tích quy hoạch. Việc đầu tư, chăm sóc chè của đại bộ phận người dân rất hạn chế, hầu như không bón phân, đặc biệt là phân hữu cơ dẫn đến chè còi cọc không sinh trưởng và phát triển tốt được.
Một vấn đề không thể không nói đến, là trên địa bàn có ít cơ sở chế biến, dây chuyền công nghệ lạc hậu, lại chủ yếu chế biến chè đen, giá thu mua nguyên liệu thấp, dẫn đến người dân chưa thật sự yên tâm cho sản xuất.
Cùng với đó, trong năm 2007, giá sắn trên địa bàn cao, nên người dân chuyển nhiều diện tích quy hoạch trồng chè sang trồng sắn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hộ dân có tư tưởng ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, không mạnh dạn đầu tư, thậm chí có những hộ còn có tư tưởng trồng chè cho Nhà nước để lấy tiền hỗ trợ, còn cây chè sống chết mặc bay!
Để đề án phát triển chè hiệu quả, trước mắt Văn Yên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân hiểu rõ về lợi ích trong việc phát triển cây chè. Trồng chè vốn đầu tư không phải quá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại nhanh và lâu dài, nếu đầu tư, trồng chăm sóc bài bản chè là loại cây làm giầu hiệu quả, bền vững nhất trong tập đoàn cây công nghiệp ở Yên Bái trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong vùng dự án.
Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước cần khuyến khích người dân phát huy nguồn vốn tự có để đầu tư vào trồng và chăm sóc chè. Cấp uỷ, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc, cán bộ, đảng viên phải là người đi đầu trong việc trồng và phát triển cây chè.
Trong quá trình nghiệm thu hỗ trợ tiền theo cơ chế, chính sách huyện phải thực hiện nghiêm, tránh gây bất bình trong nhân dân và chỉ hỗ trợ cho những diện tích trồng tập trung quy mô lớn trên 360 m2 và tỷ lệ cây sinh trưởng phát triển tốt đạt 80%. Huyện cũng cần giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã và đưa tiêu chí trồng và phát triển chè vào thi đua hàng năm. Bí thư, chủ tịch các xã phải chịu trách nhiệm trước huyện về việc trồng và phát triển vùng chè.
Giải quyết tốt những tồn tại, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng với sự vào cuộc tích cực của các uỷ, chính quyền và sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng dự án chắc chắn chương trình phát triển chè Văn Yên sẽ thành công.
Theo báo YBĐT