Bạn đang ở đây

Ưu đãi thuế cho CNHT: Muộn còn hơn không!

19/09/2014 08:41:13

 Đến nay, Nhà nước đã ban hành một số văn bản nhằm đẩy mạnh việc phát triển CNHT như: Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt quy hoạch phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT... Bên cạnh đó, nước ta đã có nhiều cố gắng để đầu tư, phát triển các doanh nghiệp (DN) hỗ trợ nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển ngành công nghiệp.

Mặc dù đã thu được một số kết quả nhất định trong quá trình phát triển CNHT như: Góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp; giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài... Tuy nhiên, có thể nhận thấy, ngành CNHT của Việt Nam trong thời gian qua còn rất nhiều hạn chế, yếu kém.

Theo ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), nhiệm vụ giải quyết bàn toán phát triển ngành CNHT thời gian tới là hết sức khó khăn. Nguyên nhân chính do Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực CNHT chậm; năng lực tài chính, con người, công nghệ sản xuất còn thiếu. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, chưa thực sự sâu sát tới đời sống DN.

Nghiên cứu của Hội Tư vấn thuế Việt Nam mới đây cho thấy, để phát triển CNHT, nhiều nước sử dụng chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút vốn FDI vào CNHT. Ví dụ, Thái Lan có chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN có thời hạn đối với ngành công nghiệp kỹ thuật, chế biến nông sản và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn. Malaysia có chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, các ngành công nghiệp tiên phong, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử. Singapore có chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN nhằm thu hút FDI vào các ngành CNHT bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thương mại, vận tải biển. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về ưu đãi cho CNHT như ví dụ của các nước trên.

Liên quan đến vấn đề thuế, ông Vũ Văn Hòa - Trưởng ban quản lý các KCX-KCN TP. Hồ Chí Minh, trong một cuộc hội thảo mới đây đã đề nghị có chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN. Theo đó, ông kiến nghị cho DN đầu tư vào CNHT được miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài khoản cố định của dự án; miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Còn tại hội thảo “Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển CNHT”, đại diện Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ KH-ĐT) đề xuất mở thêm các ưu đãi về thuế cho các dự án đầu tư vào ngành CNHT; bổ sung các sản phẩm CNHT vào danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và được hưởng ưu đãi ở mức tương đương với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị định về phát triển CNHT được Bộ Công Thương xây dựng, dự án sản xuất sản phẩm CNHT áp dụng thí điểm đến năm 2020 sẽ được miễn thuế tối đa 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa 9 năm tiếp theo được tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm thứ 4.

Bộ Công Thương cũng đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT bao gồm: Thiết bị, máy móc chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT trong nước chưa sản xuất được; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng. Những nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc trong dự thảo cũng đề nghị cho miễn thuế.

Theo Báo Công thương