31/08/2011 17:16:45
Nền kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu tiêu thụ chè sẽ trở lại như trước, nếu không muốn nói là còn tăng hơn; giá chè sẽ nhích lên khoảng 1000 đến 1.500 đồng/kg; tiêu chuẩn về chất lượng cũng nhích lên, chè chất lượng kém sẽ rất khó tiêu thụ... đó là tín hiệu mà những nhà sản xuất, kinh doanh chè nhận được từ thị trường khi bắt tay vào niên vụ mới.
Cụ thể, các mặt hàng phẩm cấp thấp như: OPA, PS, BPS và D sẽ rất khó tiêu thụ, riêng chè F chất lượng tốt giá sẽ tăng. Những mặt hàng phẩm cấp cao như: P, FBOP, OP và PEKOE chắc chắn giá sẽ tăng từ 1,5 đến 2 nghìn đồng/kg trở lên. “Tình hình đúng như dự báo thì dân làm chè vẫn gặp đầy những khó khăn” - đó là nhận định của ông Chu Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty chè Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên. Ông Tuấn phân tích thêm: giá khá hơn là so với giá năm 2009, nếu so với giá năm 2008 thì vẫn chưa bằng.
Được biết, giá bán chè PEKOE của Công ty chè Hưng Thịnh năm 2008 là 39.900 đồng/kg. Trong khi giá bán có thể tăng nhẹ thì giá các mặt hàng phục vụ cho sản xuất chè đều tăng như điện và nhất là than. Hiện than cám đã ở mức 1500 đồng/kg, tăng gần 500 đồng so với vụ chè 2009.
Tình hình tài chính chắc chắn sẽ rất “mệt mỏi” khi mà các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất ngân hàng đã chấm dứt; tình trạng lãi suất ngân hàng cao và khó vay sẽ tái diễn. Về nguyên liệu chè búp tươi, ngoài khó khăn vì giá vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu và nhân công tăng là tình trạng hạn hán kéo dài.
Thời tiết năm nay ấm lên rất sớm nên chè ra búp sớm nhưng hạn hán, khô hanh thì chè sẽ kém búp và nhiều sâu bệnh bởi đặc tính của chè là không chịu úng, không chịu hạn và chỉ có nắng lắm, mưa nhiều, độ ẩm trên 80% thì mới phát triển tốt...
Đứng trước khó khăn mà ngành chè có thể gặp phải cần có những giải pháp đồng bộ tháo gỡ như: cần chấm dứt ngay tình trạng mua chè già, chè “liềm”. Ai cũng biết rằng, chỉ có nguyên liệu tốt mới làm ra sản phẩm tốt. Thêm nữa, hái chè đúng kỹ thuật sẽ giúp cây chè phát triển ổn định, cho năng suất cao. Vấn đề chè già, chè “liềm”, báo chí cũng đã tốn nhiều giấy mực, các cấp lãnh đạo cũng kêu gọi nhiều lần tại các cuộc họp nhưng xem ra chưa có hành động cụ thể nào để ngăn chặn tình trạng này nên vẫn tồn tại một thực trạng là “mua gì bán nấy, còn mua, còn bán, chẳng ai vi phạm pháp luật nên không thể cấm”.
Đầu vụ chè 2010, Yên Bái lại xuất hiện thêm một số nhà máy chè mi ni, đó chắc chắn không phải là tín hiệu tốt đẹp vì ai cũng biết tổng công suất của các nhà máy chế biến chè đã vượt quá xa tổng sản lượng chè búp tươi. Nhiều nhà máy chế biến không những không thúc đẩy được người dân thâm canh, tăng năng suất và chất lượng chè búp mà hoàn toàn ngược lại chỉ tăng lượng chè già, chè “liềm” và tăng sản lượng chè chất lượng thấp đưa vào thị trường. Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được tình trạng chè già, chè “liềm”, ngăn chặn được tình trạng ồ ạt xây dựng nhà máy chè với công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, cho ra dòng sản phẩm chất lượng thấp bằng việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, nghĩa là đưa ra tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm chè Yên Bái.
Thực tế, tỉnh Yên Bái đã có chỉ đạo không cấp phép cho những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến chè bằng công nghệ cũ và không có vùng nguyên liệu, nhưng không biết vì lý do gì mà các nhà máy vẫn tiếp tục ra đời? Các doanh nghiệp chè cần ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung trong việc mua nguyên liệu và tiêu thu sản phẩm, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm, hiệp hội chè có cũng như không, chẳng có quy chế, chế tài cụ thể và đủ mạnh.
Thực tế cho thấy, vụ chè nào chúng ta cũng gặp khó khăn hoặc là sâu bệnh, hạn hán, hoặc chè vàng, chè thối... nhưng chúng ta vẫn vượt qua tất cả. Cho dù vậy, vị thế của cây chè Yên Bái vẫn thấp trong cơ cấu kinh tế và cả trên thương trường; chưa xứng với tiềm năng của địa phương có diện tích chè lớn của cả nước; chưa đáp ứng được mong mỏi của chính quyền và nhân dân về hiệu quả kinh tế; người trồng chè vẫn thu nhập thấp, doanh nghiệp kinh doanh chè vẫn bấp bênh.
Theo YBĐT