10/09/2011 17:28:19
Thời trang luôn thay đổi 6 tháng một lần và nhiều lúc còn thay đổi hơn cả hai lần/năm. Thương mại ngành dệt may cũng dễ thay đổi giống như gu thời trang của khách hàng, chỉ tìm đến bất cứ nơi nào có giá thành rẻ và đáng tin cây. Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn là Trung Quốc. Nhưng với mức lương tại Trung Quốc ngày càng tăng, khách hàng đang tìm những điểm đến mới. Đông Nam Á có thể là đích đến kế tiếp.
Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường dệt may với gần một nửa thị phần tại Liên minh châu Âu và 41% trên thị trường Mỹ. Nhưng ngày càng có nhiều đơn đặt hàng chuyển hướng sang những nước có giá nhân công rẻ hơn như Cambodia và Việt Nam – những nơi ngày càng có nhiều nhà máy may mọc lên như nấm. Trong đó, Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, những con hổ mới vẫn chưa lớn. Việt Nam và Campuchia vẫn phải nhập vải từ Trung Quốc để may thành quần áo, vì thế chi phí vận chuyển vẫn lớn. Với những khách hàng yêu cầu nhanh, Trung Quốc vẫn là lựa chọn số một nhờ tốc độ nhanh cùng với sự linh hoạt. Những nhà cung cấp Đông Nam Á “rõ ràng vẫn đi sau Trung Quốc”, Giám đốc điều hành hãng thời trang Inditex, công ty sở hữu thương hiệu "thời trang nhanh" Zara (fast fashion), ông Pablo Isla nhận định.
Một cách để theo kịp Trung Quốc đó là tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất dệt và may trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để xây dựng chuỗi cung trong khu vực. Việt Nam không sản xuất vải bò nhưng Indonesia có, và vải bò có thể được miễn thuế xuất khẩu trong khu vực các nước ASEAN để may thành quần jeans. Mô hình hợp tác này - được Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ phát triển – sẽ thu hút các khách hàng yêu thích dịch vụ trọn gói một điểm dừng. Đây cũng là bước tiến được dự báo sẽ thành hiện thực vào năm 2015 trong khối ASEAN.
Ý tưởng này có lúc bị phản đối nhưng sau đó được ủng hộ do giá nhân công tại Trung Quốc ngày càng tăng. Kể từ giữa năm 2010, giá hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ đã tăng khoảng 10% do giá bông và giá dầu tăng cùng với lạm phát tiền lương tại Trung Quốc.
Năm ngoái, hãng thời bán lẻ thời trang của Guess đã cam kết giảm thị phần hàng châu Á có nguồn gốc từ Trung Quốc từ một nửa xuống còn 1/3 trong vòng 18 tháng. Những thương hiệu thời trang toàn cầu khác cũng có động thái tương tự sau đó.
Các nhà sản xuất ASEAN đang bắt đầu liên minh lại. Chẳng hạn như Phongsak Assakul, sở hữu nhà máy dệt ở Bangkok, đã xuất vải theo đường bộ sang nước láng giềng Campuchia, nơi có nhà máy sản xuất hàng hè cho hãng thời trang Benetton của Italia.
Để cạnh tranh với Trung Quốc, ASEAN cần có có chế vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Cơ sở hạ tầng mới cùng với thủ tục thuế quan nhanh hơn sẽ hỗ trợ tất cả. Nhưng nút thắt hạ tầng có thể khiến trì hoãn xuất khẩu. Đây là điều không thể chấp nhận với thời trang nhanh. Thời trang mùa đông được nhận vào mùa xuân sẽ trở nên vô giá trị.
Trung Quốc vẫn có nhiều thành phố có lao động rẻ ở miền bắc và nằm sâu trong đất liền, cách xa với những đô thị ven biển đang phát triển quá nóng. Nhưng khi các các thành phố này phát triển, giá nhân công cũng sẽ tăng theo. Các nhà máy ở đây vẫn tiếp tục sản xuất theo số lượng và ít quan tâm đến chất lượng, nhưng họ ngày càng giảm bớt những mặt hàng đơn giản như áo phông polo.
Thậm chí, theo quan sát của nhà bán lẻ Peter Hevicon của Anh, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bắt đầu thuê ngoài sản xuất với những mặt hàng quần áo cấp thấp sang Việt Nam và Campuchia. Và khi giá nhân công ở Đông Nam Á tăng, thương mại dệt may lại chuyển hướng lần nữa.
Theo Vinanet