Bạn đang ở đây

Trộm cắp điện: Phạt bao nhiêu mới đủ răn đe?

08/07/2013 08:46:39

Quy định về mức phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức phục vụ mục đích sinh hoạt đã được đưa ra cụ thể trong Dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Việc đầu tư thiết bị, công nghệ giám sát là cần thiết

Việc đầu tư thiết bị, công nghệ giám sát là cần thiết

CôngThương - Dự thảo này đang được Bộ Công Thương xây dựng và trưng cầu ý kiến nhân dân. Dưới đây là ý kiến một số nhà quản lý và chuyên gia về vấn đề này.

Cần thêm những ý kiến đóng góp

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương):

Việc xử phạt trong lĩnh vực trộm cắp điện sinh hoạt đang được xây dựng, trong đó mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp điện trong sinh hoạt mà tập trung chủ yếu vào hộ gia đình với mức tối đa là 50 triệu đồng.

Mức xử phạt này căn cứ trên 3 yếu tố chính, đó là: Các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, mức độ vi phạm. Cũng lưu ý thêm, chủ thể trộm cắp điện ở đây là người dân, chứ không phải tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm những ý kiến đóng góp của các chuyên gia luật, của người dân và cả ngành điện. Ngoài xử phạt, thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất thêm các hình thức xử lý khác, ví dụ: Những tổ chức, cá nhân trộm cắp điện còn phải bồi thường thiệt hại, với mức bồi thường là khá cao, đồng thời, nếu trộm cắp số lượng điện năng lớn, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể phạt cao hơn nữa!

GS. TSKH, Viện Sỹ: Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam:

Quan điểm của tôi, trộm cắp điện chính là trộm cắp tài sản của nhà nước, với mức phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng đã đủ sức răn đe, mức xử phạt này cũng phù hợp với giá điện hiện nay. Tuy nhiên, trộm cắp điện sinh hoạt của người dân gây nhiều hậu quả xấu như làm thất thu ngân sách nhà nước, gây mất an toàn trong cung ứng điện. Để hạn chế tối đa tình trạng này, theo tôi ngoài mức xử phạt này, đối tượng còn phải bồi thường số tiền tương ứng với số kWh điện đã bị phát hiện trộm cắp hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất của vụ việc để có tính răn đe, như vậy mới có thể hạn chế được tình trạng trộm cắp điện.

Trong năm 2012:

-  EVN đã kiểm tra phát hiện và xử lý 7.993 vụ trộm cắp điện.

- Sản lượng điện bị trộm cắp đã thu hồi lại được hơn 30,3 triệu kWh, tương ứng với số tiền hơn 63,1 tỷ đồng.

Mức xử phạt vẫn chưa thỏa đáng

Ông Vũ Phương Đông Phó Trưởng ban Pháp chế EVN:

Theo Nghị định số 68/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/6/2010 thì mức phạt tối đa cho hành vi trộm cắp điện dưới 3.000 kWh là 40 triệu đồng. Mới đây nhất, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 68 của Chính phủ đã tăng mức phạt lên 50 triệu đồng cho hành vi trộm cắp dưới 20.000 kWh điện. Rõ ràng tính chất, mức độ trộm cắp là nghiêm trọng hơn (20.000 kWh so với 3.000 kWh) nhưng mức xử phạt chỉ tăng thêm 10 triệu đồng. Mặt khác, nếu tính theo giá điện hiện hành, 20.000 kWh điện là một số tiền không nhỏ Mức xử phạt này theo tôi chưa thỏa đáng, chưa đủ sức răn đe.

Hiện tại, Ban Pháp chế EVN đang tiếp tục đưa ra những kiến nghị nhằm sửa đổi Quyết định 31/2006/QĐ-BCN và tăng thêm mức trần xử phạt trong lĩnh vực điện lực. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có các biện pháp tăng cường công tác quản lý, nâng cao sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, công ty điện lực trong việc kiểm tra sử dụng điện. Bên cạnh đó, việc đầu tư thiết bị kỹ thuật, công nghệ giám sát là cần thiết nhằm hạn chế, ngăn ngừa số vụ trộm cắp điện.

Theo Báo Công Thương