Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ Tài chính), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ tập trung vào tự do hóa đối với lĩnh vực thương mại, hàng hóa, mà còn mở rộng đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, trong đó có các ngành dịch vụ tài chính.
Các nước tham gia TPP phải cam kết tuân thủ các nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ theo cách tiếp cận chọn bỏ, ngoại trừ những lĩnh vực được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm cam kết đối với dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm.
Các cam kết thuộc Chương dịch vụ tài chính của Hiệp định TPP tạo ra 3 thành tố cơ bản hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam gồm: Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó là áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm đảm bảo đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư. Và thứ ba là đảm bảo không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm, Hiệp định TPP sẽ mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa.
So với WTO, ở Hiệp định TPP, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: Mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới; dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng; mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.
Về cơ chế bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài, theo cam kết, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường dịch vụ tài chính kết hợp với nghĩa vụ bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp…
Bên cạnh đó, TPP ràng buộc nghĩa vụ các nước thành viên phải tuân thủ nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” trong việc điều hành chính sách đối với các ngành dịch vụ.
Theo đó, nếu Việt Nam điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật trong nước theo hướng tự do hóa hơn, thông thoáng hơn so với mức cam kết ban đầu thì sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc, không được ban hành chính sách quay trở lại mức cam kết ban đầu.
Bên cạnh đó, các nước TPP phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày.
Tăng trách nhiệm kiểm tra sau về chứng nhận xuất xứ
Trong hoạt động tài chính, cam kết trong lĩnh vực hải quan được kỳ vọng cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhưng về phía cơ quan chức năng vẫn phải tăng cường đảm bảo công tác phòng chống gian lận.
Chương cam kết về hải quan bao gồm 12 điều, trong đó quy định các cam kết về nghiệp vụ chính như: Quy định về thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh trong vòng 6 giờ đồng hồ; quy định về cơ chế ban hành xác định trước đối với các lĩnh vực mã số, phương pháp xác định trị giá và xuất xứ hàng hóa, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa;
Quy định cụ thể về thời gian giải phóng hàng hóa trong vòng 48 giờ đồng hồ khi hàng hóa nhập cảnh hải quan và có cơ chế cho phép thông tin được xử lý bằng phương thức điện tử trước khi hàng đến nhằm nhanh chóng giải phóng hàng; quy định quản lý rủi ro...
Riêng đối với quy định về trị giá tối thiểu vẫn thực hiện theo luật của quốc gia.
Một vấn đề mà Hiệp định TPP tác động lớn đến công tác quản lý hải quan là quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thời gian chuyển đổi tối đa 10 năm.
Cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Điều này tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Hiện nay trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đang tham gia thực hiện thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ là một bước quan trọng chuẩn bị cho công tác triển khai sau này.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, thực tế cơ quan này khi đó đóng vai trò trọng tài giám sát cho “người chơi” là doanh nghiệp (DN), DN tự khai tự nhận. Do đó, quy định mới thông thoáng hơn cho DN, nhưng đặt ra yêu cầu khá nặng với cơ quan hải quan để thực hiện giám sát hiệu quả, chống gian lận.
Hiện tại, ngay cả khi cơ quan Nhà nước cấp chứng nhận, vẫn có không ít những gian lận xuất xứ xảy ra, vì vậy, nếu có cơ chế tự chứng nhận, cơ quan hải quan giám sát sẽ nặng thêm.
Tổng cục Hải quan cho biết thêm, không phải DN nào cũng được tự chứng nhận, mà sẽ có quy định phân loại. Tùy loại DN có đủ điều kiện chứng minh, có đủ tiêu chuẩn, mới được vào danh sách tự chứng nhận xuất xứ.
Theo Chinhphu.vn