Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) là hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, được coi là hiệp định kiểu mẫu của Thế kỷ 21. Hiệp định này hiện có 12 thành viên tham gia bao gồm: Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Hoa Kỳ, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-li-a, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam. Theo tuyên bố của các nhà lãnh đạo TPP tại cuộc họp bên lề Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Ba-li từ ngày 3 đến ngày 8/10/2013, các nước TPP đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán để cơ bản kết thúc đàm phán vào cuối năm 2013. Trong bối cảnh đàm phán Hiệp định TPP đang bước vào giai đoạn quyết định, Hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và quá trình tham gia của Việt Nam” được tổ chức nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định này cho các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp và các đối tượng chịu ảnh hưởng khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giới thiệu về Hiệp định TPP và quá trình tham gia của Việt Nam |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ đã trình bày về quá trình hình thành Hiệp định TPP và tình hình đàm phán đến nay. Theo đó, Hiệp định TPP đã tiến hành 19 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, trong đó có 2 phiên cấp Bộ trưởng diễn ra tại Bru-nây (tháng 8/2013) và Bali (tháng 10/2013). Dự kiến phiên tiếp theo sẽ diễn ra tại Salt Lake City, Hoa Kỳ từ ngày 18 đến 24/11/2013. Phiên đàm phán cấp Bộ trưởng sẽ diễn ra tại Xinh-ga-po vào đầu tháng 12 năm nay. Qua quá trình đàm phán vừa qua, các nước tham dự đã đạt được các thỏa thuận sơ bộ về nhiều vấn đề quan trọng: Hợp tác và xây dựng năng lực, doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì sự phát triển, gắn kết môi trường chính sách, Tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng, lời văn nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, chính sách cạnh tranh. Bên cạnh đó vẫn còn gần 20 lĩnh vực khác đang được các thành viên tiếp tục đàm phán: mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, TBT, SPS, cung cấp dịch vụ qua biên giới, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, v.v…)
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng giới thiệu những yêu cầu cơ bản trong các lĩnh vực đàm phán chủ chốt như: cắt giảm thuế quan, dệt may, tự do hóa dịch vụ và đầu tư, mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại, môi trường, lao động và công đoàn, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, v.v… Đáng chú ý, những phân tích và nhận định về cơ hội và thách thức từ TPP của Thứ trưởng nhận được rất nhiều quan tâm của các đại biểu tham dự. Theo đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu; mở thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam; tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế; tạo thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; hoàn thiện môi trường thể chế; tăng tính hấp dẫn với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo năng lực sản xuất mới và tạo việc làm cho người lao động. Tuy vậy, TPP cũng đi kèm với nhiều thách thức trong đó là sức ép cạnh tranh và tác động xã hội, sức ép điều chỉnh hệ thống pháp luật, tư duy quản lý và năng lực quản lý.
Năm bắt cơ hội, ứng phó thách thức
Đại diện ngành Dệt may, một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có quyền lợi đáng kể trong đàm phán Hiệp định TPP, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã nêu ra quan điểm và cách tiếp cận của ngành Dệt may đối với Hiệp định TPP. Theo đó, về thương mại và đầu tư, trong 16.000 dòng thuế HS 8 chữ số, hàng dệt may thuộc các chương HS 50-63 mà Hoa Kỳ có nhập khẩu, Việt Nam có xuất khẩu vào Hoa Kỳ khoảng 1.000 dòng thuế với thuế suất MFN bình quân 17-18%. Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ cắt giảm mức thuế quan này dần về 0%. Về lý thuyết, Quy tắc xuất xứ khuyến khích sử dụng nguyên liệu nội dung khối TPP sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư vào khâu sợi dệt nhuộm tại Việt Nam. Với triển vọng Hiệp định TPP, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể tăng trưởng 13-20%/năm trong giai đoạn 2013 – 2017 và có thể đạt 25 – 30 tỷ USD vào năm 2025, đưa quy mô xuất khẩu toàn ngành năm 2025 đạt khoảng 50- 55 tỷ USD. Bên cạnh đó, nếu TPP thúc đẩy tốt đầu tư vào nguyên liệu như dự kiến thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa của ngành sẽ đều được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ về đích sớm với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh thêm, TPP cùng các FTA đang đàm phán với EU, Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan sẽ là cơ hội lớn tiếp theo cho ngành Dệt may Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam |
Để có thể hưởng lợi từ Hiệp định TPP, ông Trường cho rằng, bản chào thuế cần cắt giảm thuế nhanh, mạnh để tạo động lực đủ lớn; Quy tắc xuất xứ phải có tính khả thi cao, nếu không sẽ tạo thành rào cản, thách thức lớn cho quá trình thực thi Hiệp định; Thách thức từ xu hướng đầu tư nhanh, mạnh của khối FDI với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường, cần cân đối giữa lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.; Thách thức từ xu hướng đầu tư nhanh, mạnh của khối FDI với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường, cần cân đối giữa lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, ông Trường cũng đề xuất nhiều kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức từ TPP. Theo đó, cần xây dựng quy hoạch phát triển ngành Dệt may đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định rõ vai trò, vị trí, quy mô của ngành Dệt may; Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dệt may phát triển tích hợp dọc, liên kết chuỗi cung ứng; Có cơ chế tham vấn giữa chính quyền địa phương với bộ ngành và hiệp hội khi xem xét cấp phép dự án FDI vào ngành Dệt may; Phối hợp với Đoàn đàm phán Chính phủ và nhóm công tác VITAS tuyên truyền, quảng bá về TPP, FTA Việt Nam – EU đến các doanh nghiệp dệt may.
Đại diện cho giới nghiên cứu, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nêu lên những kỳ vọng đối với Hiệp định TPP, đưa ra các số liệu tham khảo về tác động của TPP đến GDP và xuất khẩu của thế giới và Việt Nam. Theo ông Thành, tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Việt Nam phải mở cửa mạnh hơn và do vậy cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội do TPP đem lại cũng như giảm thiểu tổn phí có thể phát sinh khi đất nước hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần phải hết sức nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế (khung khổ pháp lý, chế tài thực thi) để có thể đáp ứng cam kết trong TPP. Không chỉ vậy, Việt Nam cần khôi phục tạo dựng lòng tin đối với thị trường, các nhà đầu tư. Điều đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc không chỉ vào ý chí chính trị mà cả sự nhất quán trong kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và tính quyết liệt trong cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế.
Nguồn: Moit.gov.vn