Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (bên phải ảnh) trao đổi với các DN bên lề hội nghị |
Khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước
Với chủ đề: “Đột phá cơ chế, cùng Doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững thành phố Hồ Chí Minh”, hội nghị đã thu hút được gần 300 doanh nghiệp tham gia.
Phát biểu tại hội nghị, Bí Thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá thành tựu phát triển kinh tế trong gần nửa nhiệm kỳ 2016-2020 của thành phố.
Trong đó, thành phố tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn nhất, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2016-2017 đạt 8,15%; gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và giúp thành phố giữ được tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế cả nước ở mức khoảng 22%. Lần đầu tiên qui mô nền kinh tế thành phố vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nhờ sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp nơi đây nên trung bình mỗi năm thành phố đóng góp 27-28% tổng thu ngân sách cả nước.
Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, Bí thư Thành ủy cho biết, trong 2 năm 2016-2017, đã có gần 78.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 904.000 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, 2 năm 2016-2017, thành phố đã có 1.697 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 3,68 tỷ USD; 375 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 1,65 tỷ USD. Tính chung 2 năm qua, địa phương này đã thu hút được 10,06 tỷ USD.
Những kết quả này sẽ là tiền đề để thành phố bước vào giai đoạn theo cơ chế mới.Năm 2018 là năm đầu tiên thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Hiện UBND TP đã xây dựng đề án ủy quyền cho các sở - ngành, thủ trưởng các sở - ngành, UBND quận - huyện, Chủ tịch UBND quận - huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP. TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế tạo và sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn.
Đặc biệt, trong năm nay, để triển khai đề án “Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025”, thành phố sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp gồm: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của TP; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng trung tâm an toàn, an ninh thông tin.
Nhiều DN quan tâm đến sự thay đổi về cơ chế, chính sách mới được bàn thảo tại hội nghị |
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Nhìn thẳng vào những thách thức mà thành phố đang phải đối mặt, ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND thành phố- cho biết, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức, vì hiện nay doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 21% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 10% doanh nghiệp thành lập giải thể. “Đáng chú ý, hiện nay có một thực trạng đáng buồn là ở trên lãnh đạo “nóng” nhưng ở dưới các sở “lạnh”, do đó chưa thể giải quyết được các vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, nếu lãnh đạo nóng, nhưng nhân viên lạnh thì cũng không thể đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính” –ông Phong thẳng thắn.
Xác định doanh nghiệp là nòng cốt cho sự phát triển kinh tế của địa phương, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết trong giai đoạn 2018-2020 sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp.
Trong đó, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ nâng cao chất lượng và số lượng đối thoại giữa chính quyền với các doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn; công khai kết quả giải quyết và giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với các doanh nghiệp.
Liên quan đến thủ tục hành chính, đặc biệt về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, thành phố sẽ đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết giảm 30% so với quy định của Luật Đầu tư; nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua mạng sử dụng hệ thống đăng ký đầu tư trực tuyến đạt 40% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh ký kết biên bản ghi nhớ về kế hoạch thực hiện Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 10/2018 |
Cũng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều ý kiến đóng góp về các vấn đề phát triển của thành phố. Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh – cho rằng, vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân, sinh viên đang là vấn đề nóng, bức bách. TP. Hồ chí Minh hiện nay có hơn 13 triệu dân nhưng có đến 3 triệu dân nhập cư, nửa triệu sinh viên và sau 5 năm thành phố có thêm 1 triệu dân.
Tại TP. Hồ Chí Minh các dự án nhà xã hội, nhà thương mại giá rẻ hiện nay vừa ít lại chưa đáp ứng được nhu cầu của người cần nhà ở. Từ thực tế này ông Châu đề xuất lãnh đạo thành phố cần có cơ chế chính sách về quỹ đất, vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp xây nhà giá rẻ với mức 300- 500 triệu đồng/căn hoặc xây nhà cho thuê giá rẻ lâu dài dến 49 năm, từ 3-5 triệu đồng/tháng. “ TP. Hồ Chí Minh đang được trung ương giao cho cơ chế đặc thù, trong lĩnh vực nhà ở chính quyền thành phố nên sớm áp dụng cơ chế dặc thù về nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để sớm giải quyết nỗi bức về an cư cho hàng triệu người dân”- ông Châu kiến nghị.
Ông Trịnh Tiến Dũng- Chủ tịch Công ty Cơ Khí Thương Mại Đại Dũng – bày tỏ, công ty sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho nhu cầu của các dự án lớn trong nước và xuất khẩu qua 30 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường yêu cầu về kỹ thuật cao như Nhật Bản. Tuy nhiên ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam bị lép vế ngay chính sân nhà của mình. Lấy ví dụ cụ thể, ông Dũng cho hay, hàng hóa mình tốt nhưng khó chen chân vào được cán dự lớn để cung cấp thiết bị. Ông Dũng kiến nghị, thành phố cần có chủ trương bảo hộ hoặc ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước đối với các dự án công, ưu tiền mua sản phẩm thiết bị của doanh nghiệp thành phố và thay đổi cái nhìn về doanh nghiệp nội.