Thực hiện điện khí hoá nông thôn là việc hình thành được mạng lưới điện quốc gia thông suốt từ nơi phát điện đến tận các cơ sở sử dụng điện là các xã, thôn bản, hộ gia đình v.v… ở mọi vùng nông thôn. Như vậy, thực hiện điện khí hoá nông thôn là một quá trình rất lâu dài và cần nhiều nguồn vốn để đầu tư.
Những năm qua, Ðảng và Chính phủ luôn quan tâm đến việc điện khí hóa nông thôn, đã ban hành nhiều chủ trương chính sách để thực hiện điên khí hóa, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống điện ở khu vực nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong nông nghiệp, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Điện khí hóa nông thôn đã góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế. Trong 15 năm vừa qua, xây dựng hệ thống Điện nông thôn tỉnh Yên Bái đã được sự đầu tư, do nhiều tổ chức thực hiện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và đã có những bước phát triển vượt bậc.
Cụ thể tại thời điểm năm 1998 toàn tỉnh mới có 83/159 xã có điện đạt 52,2%, tổng số hộ dùng điện là 30.750/ 94.300 đạt 32,6%, chiều dài đường dây 35KV là 600Km, đường dây 10KV là 130Km, đường dây 0.4KV là 550Km chất lượng điện áp kém do đường dây cũ nát, bán kính cấp điện xa.
Do Yên Bái là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, dân cư phân bố rải rác, không tập trung nên quá trình điện khí hóa nông thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Suất đầu tư cho một hộ dân có điện cao. Trong 15 năm thực hiện chiều dài đường dây trung áp toàn tỉnh đạt 174.918km, đường dây hạ áp là 2.146 km, toàn tỉnh có số trạm biến áp phân phối như sau: TBA: 35/10KV 09 trạm, TBA: 35/0.4KV với 647 trạm, TBA: 22/0.4KV với 13 trạm, TBA: 10/04KV với 174 trạm. Tổng số vốn đầu tư cho điện điện khí hóa nông thôn toàn tỉnh trong 15 năm là 672 tỷ đồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như vốn chương trình mục tiêu 134/CP, 135/CP, 167/CP...Vốn vay ngân hàng WB cho dự án REII, REII mở rộng, tính đến hết tháng 12 năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái có 159/159 xã có điện đạt 100%; trong đó số hộ nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia 148.300/160.700 đạt tỷ lệ 92,2 %.
Đã xây dựng quy hoạch phát triển lưới điện trên toàn tỉnh trong từng giai đoạn, góp phần đánh giá thực trạng lưới điện và đưa ra phương hướng xây dựng lưới điện trong tỉnh qua từng giai đoạn; Đã đưa vào vận hành 8 thủy điện vừa và nhỏ với công suất lắp đặt 122 MW phát vào lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo cung ứng điện trên địa bàn tỉnh; Đã bàn giao toàn bộ lưới điện nông thôn tại các xã cho Công ty Điện lực Yên Bái tổ chức quản lý, kinh doanh điện nông thôn. Tính đến tháng 12/2013, Công ty Điện lực Yên Bái đã tiếp nhận được 159/159 xã và phục vụ bán điện trực tiếp đến trên 148.300 hộ dân nông thôn, sau khi tiếp nhận quản lý, kinh doanh điện nông thôn Công ty Điện lực Yên Bái đã tổ chức ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp với các khách hàng sử dụng điện đạt tỷ lệ 100%. Đồng thời tiến hành thay thế công tơ tại khu vực mới tiếp nhận đến nay đạt tỷ lệ 98%.
Ngoài những kết quả đã đạt được trên, trong quá trình triển khai chương trình Điện khí hóa nông thôn tỉnh Yên Bái vẫn còn một số hạn chế như: Do tỉnh Yên Bái là một tỉnh miền núi, trình độ dân trí, đời sống đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa còn có nhiều khó khăn, sinh sống không tập trung nên việc đầu tư lưới điện đến từng hộ dân rất khó triển khai, đến năm 2013 tổng số hộ sử dụng điện an toàn thường xuyên đạt 85%; Hiện nay các xã trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia nhưng hầu hết mới chỉ kéo đến trung tâm các xã còn lại các thôn bản nằm xa khu trung tâm vẫn chưa có điện lưới quốc gia, hiện có 175 thôn bản trên địa bàn tỉnh chưa có điện với 14.457 hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; Hệ thống lưới điện tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đại đa số đường dây sử dụng lâu năm quá tải, cũ nát mất an toàn lưới điện, luôn có nguy cơ đe dọa gây sự cố và tai nạn về điện. Gây tổn thất lớn trên 25%, cá biệt còn có xã lên tới trên 35%.
Thông qua quá trình tổng kết 15 năm thực hiện điện khí hóa nông thôn Sở Công Thương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian tới: Trong quá trình triển khai xây dựng, cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh, trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước, thấy được tầm quan trọng của Chương trình, tự nguyện ủng hộ và tham gia xây dựng các công trình trên địa bàn thôn, bản, xã; nhân dân tích cực đóng góp sức lao động, hiến đất tạo hành lang lưới điện, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện nông thôn, xây dựng hệ thống lưới điện đạt tiêu chuẩn và đảm bảo an toàn lưới điện; Quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, cần có sự phân công đăng ký nhiệm vụ đối với từng tổ chức, từng ngành, tăng cường kiểm tra đôn đốc, đánh giá phân loại vào thi đua khen thưởng; Chú trọng tập huấn nghiệp vụ về công tác lập quy hoạch xây dựng và quản lý theo quy hoạch, đặc biệt là cán bộ chuyên môn trực tiếp của ban chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh; Thực hiện chủ trương xã hội hóa, lồng ghép các chương trình dự án huy động nguồn vốn của tỉnh, có chính sách để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, khai thác tốt các nguồn thu tại địa phương./.
Nguồn: Phòng QLĐN