Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan
Ngày 25/9/2013, tại thủ đô Băng Cốc, Thái Lan, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp trước sự chứng kiến của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan - ông Niwattumrong Boonsongpaisan và nhiều quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Thái Lan.
Các nội dung trong Biên bản ghi nhớ được hai bên ưu tiên phối hợp tổ chức bao gồm: trao đổi thông tin về thị trường, sản phẩm và doanh nghiệp; trao đổi các phái đoàn thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp của hai bên tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, phối hợp hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn và trao đổi kinh nghiệm, v.v...
Quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan trong những năm qua liên tục phát triển. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2012 tổng trị giá xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 5,9 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 2,8 tỷ USD nhập khẩu từ Thái Lan 3,1 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 1,03 tỷ USD, tăng 44,92 % so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 8 năm 2013 Thái Lan có 315 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 6,4 tỷ USD đứng thứ 9 trong số các nước có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc 2013
|
Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2013 của Bộ Công Thương, nhằm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Đông nói riêng, trong các ngày từ 25 - 26/9/2013, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã phối hợp cùng Cục Công nghiệp địa phương và Chi nhánh Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam gồm 25 doanh nghiệp với quy mô 35 gian hàng tiêu chuẩn tham gia Hội chợ.
Hội chợ năm nay thu hút được sự quan tâm và tham dự của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Canada, các nước khối EU, ASEAN, Hồng Kông, Đài Loan, v.v... Hội chợ thu hút 442 doanh nghiệp với quy mô trên 1.100 gian hàng tiêu chuẩn, trưng bày và giới thiệu trong các lĩnh vực như: thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, hàng may mặc và ngành dịch vụ, v.v...
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ lần này với mục đích trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: gạo, cà phê, nông sản chế biến, thủy sản, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Đông nói riêng. Gian hàng Việt Nam đã thu hút được hàng ngàn lượt khách thăm quan, tìm hiểu về chính sách thương mại đầu tư cũng như thông tin doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam, góp phần tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc và các nước trên thế giới.
Tăng cường xúc tiến thương mại về công nghiệp giữa Việt Nam – Cộng hòa Pháp
|
Nhằm thúc đẩy hợp tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, ngày 25/9/2013 tại thủ đô Paris, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và ông Chistophe Lecourtier, Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Pháp đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng nước Cộng hòa Pháp – ông Jean - Marc Ayrault và các quan chức cấp cao hai nước.
Các nội dung trong Biên bản ghi nhớ được hai bên ưu tiên phối hợp tổ chức bao gồm: trao đổi thông tin về thị trường, sản phẩm và doanh nghiệp; trao đổi các phái đoàn thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp của hai bên tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, phối hợp hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn và trao đổi kinh nghiệm, v.v... Biên bản ghi nhớ được ký kết lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại, công nghiệp và đầu tư của hai nước Việt Nam - Pháp.
Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường Pháp. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2012 tổng trị giá xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 3 tỷ 752 triệu USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp là 2 tỷ 163 triệu USD và nhập khẩu là 1 tỷ 589 triệu USD.
Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội mở rộng thị trường
Ngày 26/9, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các Tổ chức xuất khẩu Ấn Độ đã tổ chức Hội thảo giao thương trực tuyến, kết nối doanh nghiệp hai nước tại các đầu cầu Hà Nội và New Delhi.
Năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 3,94 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay, trong đó xuất khẩu đạt 1,78 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,16 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ trong năm nay sẽ vượt mốc 5 tỷ USD và sẽ đạt mục tiêu 7 tỷ USD vào năm 2015.
Tại đầu cầu New Delhi, ông Nguyễn Sơn Hà, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi và khu vực Tây-Nam Á (Bộ Công Thương) kỳ vọng: “Thời gian tới, khi Hiệp định thương mại dịch vụ và Hiệp định đầu tư ASEAN- Ấn Độ được ký kết chắc sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ”.
Để khai thác tiềm năng này, lãnh đạo hai bên đều nhất trí rằng, chính phủ hai nước cần tăng cường kết nối, mở đường bay trực tiếp; Ấn Độ nên mở chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam; thanh toán trao đổi thương mại một phần bằng đồng rupee để giảm phụ thuộc vào ngoại tệ và nguy cơ biến động về tỷ giá hối đoái; cấp visa dài hạn cho các doanh nhân vào làm ăn tại Việt Nam; các công ty Việt Nam nên mở văn phòng tại Ấn Độ, v.v…
Sản xuất công nghiệp tăng 5,4%
Theo Tổng cục Thống kê, ước 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012. Các ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng, nông – lâm nghiệp – thủy sản đang phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2012 và cao hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 8,3% so với cùng kỳ. Giá trị tăng trưởng chủ yếu ở một số ngành chiếm tỷ trọng cao như nhóm ngành dệt may, thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, xi măng, v.v…Chỉ số IIP (tính theo năm gốc 2010) có chiều hướng cải thiện dần qua những tháng đầu năm 2013. Cụ thể, 3 tháng đầu năm tăng 4,9%; 6 tháng tăng 5% và 9 tháng tăng 5,4%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nguyên nhân chỉ số sản xuất công nghiệp tăng là do sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng cao ở sản lượng điện cung cấp phục vụ công nghiệp và xây dựng. Các chỉ số chính đều có mức tăng cao hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước và đã có thể nhận định rằng những lo ngại về tổng cầu yếu đã tạm vơi, và những chính sách hỗ trợ tổng cầu bước đầu có kết quả.
Theo Moit.gov.vn