Bạn đang ở đây

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ ngày 14/3 đến ngày 20/3/2016

21/03/2016 08:21:08

Khởi công Nhà máy sản xuất thuốc lá tại Kiên Giang

Ngày 14/3/2016, tại Kiên Giang, Công ty TNHH Liên doanh VINA-BAT đã tổ chức lễ khởi công Nhà máy sản xuất thuốc lá tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương... đã tới tham dự buổi lễ.

Nhà máy sản xuất thuốc lá của Công ty TNHH Liên doanh VINA-BAT có tổng diện tích 1,08ha, do Công ty Liên doanh đầu tư vốn 100%. Tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án là 160 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là trên 81 tỷ đồng, thời hạn hoạt động đến ngày 10/9/2053. Dự kiến Nhà máy sẽ được hoàn thành và sản xuất chính thức vào quý 1/2017. Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm thuốc lá có chất lượng quốc tế để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và phục vụ xuất khẩu, Nhà máy sẽ mang lại những hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế xã hội cho địa phương và góp phần chống thuốc lá lậu hiệu quả. Nhà máy khi đưa vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 175 tấn nguyên liệu/năm, do đó sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng diện tích canh tác cây thuốc lá và nâng cao chất lượng nguồn cung thuốc lá nội địa. Dự kiến trong 10 năm đầu hoạt động, Nhà máy sẽ mang lại nguồn doanh thu khoảng 6.660 tỷ đồng và đóng góp khoảng 2.600 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) cho biết, Liên doanh VINA-BAT được thành lập vào năm 2014, trong đó Vinataba chiếm tỷ lệ vốn góp 51% là sự tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và thành công giữa Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và Tập đoàn BAT trong hơn 20 năm qua. Sau 02 năm đi vào hoạt động, Công ty liên doanh tự hào là một trong những nhà máy sản xuất thuốc lá điếu tốt nhất Việt Nam, ngang tầm với các nhà máy khác trong khu vực và thế giới về cơ sở vật chất, chất lượng sản phẩm cũng như năng suất lao động. Các chỉ số doanh thu, nộp ngân sách đều tăng trưởng vượt bậc.

Nhà máy VINA-BAT tại Kiên Giang với các sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần chống thuốc lá lậu hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương, đồng thời đưa ngành thuốc lá Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi giá trị thuốc lá toàn cầu, hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Vinataba và BAT đã trao số tiền ủng hộ 500 triệu đồng cho Quỹ nhà tình nghĩa của tỉnh Kiên Giang.

Lãnh đạo Tập đoàn Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm giàn khoan thăm dò ngoài khơi Việt Nam

Ngày 15/3, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn và Chủ tịch Tập đoàn Dầu lửa LB Nga Rosneft, ông Igor Sechin đã đến thăm giàn khai thác khí tự nhiên Lan Tây và giàn khoan thăm dò tại Lô 06.1 ngoài khơi Việt Nam. Rosneft tham gia 35% và là Nhà điều hành của Lô 06.1, cùng ONGC - 45% và Petrovietnam - 20%.

Giếng khoan PLDD-1X có độ sâu thiết kế là 1380 m, thuộc vùng biển có độ sâu khoảng 162 m. Khí tự nhiên từ cấu tạo địa chất PLDD có thể được phát triển và đấu nối với giàn khai thác Lan Tây để đưa vào bờ. Giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan. Rosneft đã thông báo về hợp đồng khoan với JDC tại Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông năm 2015. Sau khi khoan PLDD, Rosneft sẽ khoan một giếng thăm dò nữa tại Lô 05-3/11 cũng thuộc Bể Nam Côn Sơn. Việc kết hợp khoan 2 giếng liên tiếp nhau trong cùng một chương trình sẽ tạo hiệp lực cho hai dự án, giảm thời gian triển khai công việc, do vậy tăng hiệu quả của các dự án thăm dò của Rosneft ngoài khơi Việt Nam.

Phát biểu tại chuyến thăm giàn khoan, ông Igor Sechin nói: “Việc triển khoai các dự án ở Việt Nam là một trong những ưu tiên của chiến lược mở rộng ra quốc tế của Rosneft. Vận hành các dự án ở một đất nước đang phát triển năng động của khu vực Châu Á Thái Bình Dương là một minh chứng cho sự hợp tác về công nghệ kỹ thuật cao giữa Rosneft và các đối tác – Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC). Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao tiến độ các dự án hợp tác hiện tại ở Việt Nam và tiềm năng phát triển trong tương lai."

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đánh giá cao những nỗ lực của Rosneft trong việc khoan giếng Phong Lan Dại ở độ sâu trên nghìn mét, đây thực sự là thách thức về công nghệ và kỹ thuật. Chương trình tìm kiếm thăm dò với chiến dịch khoan lần này thể hiện quyết tâm của Rosneft tại vùng biển của Việt Nam. Với tư cách là nhà Điều hành lô 06.1 và nhà đầu tư ở đường ống Nam Côn Sơn, Rosneft là công ty dầu có những đóng góp lớn, quan trọng ở Viêt Nam. Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với sự phát triển và mở rộng của Rosneft ở thềm lục địa Việt Nam.

Tăng cường hợp tác song phương về thương mại và đầu tư Việt - Đức

Chiều 16/3 tại trụ sở Thương vụ Việt Nam ở thủ đô Berlin của Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi gặp gỡ trao đổi với gần 50 doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp người Việt ở Đức. Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông báo những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như định hướng lớn về kinh tế, thương mại, đầu tư theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Các doanh nghiệp Đức đã dành nhiều thời gian để trao đổi và hỏi về điều kiện đầu tư, thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu hàng nông sản sang Đức và châu Âu, sản xuất đồ chơi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, sản xuất thuốc từ thảo dược xuất khẩu sang châu Phi, v.v...

Đại diện doanh nghiệp người Việt tại Đức cũng bày tỏ mong muốn được Nhà nước tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư về nước cũng như đầu tư từ Việt Nam sang Đức.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và lãnh đạo một số Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương đã giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp; đồng thời nhấn mạnh, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Đức luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp hai nước nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương về thương mại và đầu tư.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức Đức theo lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Sigmar Gabriel, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục tham dự một số diễn đàn và hoạt động hợp tác kinh tế với các đối tác Đức trong hai ngày 17-18/3.

Bộ Công Thương tổng kết công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ năm 2015


Ngày 18/3/2016, ngành Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) – phòng chống cháy nổ (PCCN) năm 2015, triển khai nhiệm vụ và hưởng ứng tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – PCCN năm 2016. Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Trưởng Ban chỉ đạo An toàn lao động - PCCN ngành Công Thương chủ trì Hội nghị.

Trong năm 2015, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp tổ chức phát động tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN toàn ngành. Công tác quản lý, chỉ đạo của Bộ Công Thương trong năm 2015 nhằm đảm bảo an toàn lao động được thể hiện như: đã ban hành 12 Thông tư liên quan đến công tác AT-VSLĐ-PCCN, trong đó có 08 Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn; Chỉ đạo các Sở Công Thương đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác an toàn trong lĩnh vực hóa chất nguy hiểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn trong hoạt động hóa chất nguy hiểm, vật liệu nổ công nghiệp; Tiến hành kiểm tra công tác an toàn, phòng chống lụt bão tại 11 thủy điện theo chương trình thanh tra, kiểm tra 2015; tổ chức thanh tra 2 đơn vị sử dụng VLNCN; Thẩm định trình Bộ trưởng phê duyệt 71 Phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập thủy điện thuộc phạm vi trách nhiệm Bộ Công Thương; Tổ chức thẩm định và chấp thuận 20 bộ tài liệu quản lý an toàn cho các đơn vị hoạt động dầu khí, xăng dầu, v.v ...

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty gửi về Ban chỉ đạo, trong năm 2015, các đơn vị ngành Công Thương để xảy ra 689 vụ tai nạn lao động, làm 696 người bị tai nạn lao động, trong đó có 40 vụ tai nạn lao động làm chết 43 người. Theo đó, các ngành để xảy ra tai nạn lao động chết người nhiều nhất là ngành Than và Điện lực.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã đã thẳng thắn cùng nhau thảo luận, chỉ ra các nguyên nhân, tồn tại trong công tác ATVSLĐ-PCCN 2015. Trên cơ sở đó, đề ra biện pháp an toàn, phòng chống cháy nổ như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác ATVSLĐ -PCCN, các quy chuẩn kỹ thuật an toàn chưa đáp ứng kịp thời với thực tế quản lý; Nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ còn chưa đầy đủ, ý thức chấp hành luật pháp, chấp hành các quy định về kỷ luật lao động, quy trình, quy chuẩn, sự hiểu biết về ATVSLĐ- PCCN chưa cao; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tay nghề, kiểm tra sát hạch quy trình, quy chuẩn, huấn luyện về an toàn tại một số đơn vị chưa thực sự được coi trọng, còn đối phó, hình thức, v.v ...

Mục tiêu trong năm 2016, ngành Công Thương phải giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các sự cố cháy nổ, các đại biểu tham dự Hội nghị đã thống nhất các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, quản lý, đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định; Tăng cường việc chỉ đạo, kiểm tra, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp, quản lý an toàn đập thủy điện, an toàn khai thác khoáng sản, an toàn khí dầu mỏ hóa lỏng, xăng dầu, an toàn hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, an toàn điện trong ngành Công Thương; Tăng cường hướng dẫn triển khai, kiểm tra công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm tra chuyên đề phù hợp với các ngành, đơn vị, v.v ...

Để đạt được mục tiêu trên, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty tăng cường kiểm tra công tác an toàn, PCCN các cấp; thực hiện công tác sơ kết, tổng kết đánh giá các mặt đã làm được, các vấn đề tồn tại, các giải pháp triển khai cụ thể theo đúng quy định; các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ đạo triển khai thực hiện điểm công tác xây dựng hệ thống quản lý an toàn, đánh giá rủi ro, ứng cứu khẩn cấp tại một số đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty hoặc đánh giá các đơn vị đã thực hiện công tác xây dựng hệ thống quản lý an toàn, đánh giá rủi ro, ứng cứu khẩn cấp, từ đó để có kế hoạch đẩy mạnh thực hiện trong các đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty; báo cáo tình hình thực hiện công tác này trước ngày 10 tháng 01 năm 2017 về thường trực Ban chỉ đạo.

Kỳ họp lần thứ ba tiểu ban thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ
 
 
Kỳ họp Lần thứ ba Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ được tổ chức từ ngày 15-18/03/2016 tại New Delhi, Ấn Độ. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm Trưởng đoàn. Đoàn Ấn Độ do Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Rita Teaotia làm Trưởng đoàn.
 
Tại Kỳ họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nêu một số đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư song phương được phía Ấn Độ đánh giá cao gồm: (1) hợp tác tăng cường hiệu quả chuỗi giá trị khu vực, xác định những lĩnh vực cụ thể Việt Nam và Ấn Độ có lợi thế so sánh để có thể tạo ra sự bổ sung lẫn nhau về kinh tế; (2) từng bước giảm dần và tiến tới dỡ bỏ rào cản thuế và phi thuế như giảm thuế đối với điều nhân, cao su, cà phê, hạt tiêu, chè của Việt Nam và giảm số lượng các vụ việc chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam; (3) sớm thực hiện gói tín dụng 300 triệu USD Ấn Độ dành cho Việt Nam để phát triển hợp tác dệt may; (4) thành lập kho ngoại quan dệt may Ấn Độ tại Việt Nam và thành lập Khu công nghiệp dệt may Ấn Độ tại Việt Nam để thu hút đầu tư Ấn Độ vào ngành dệt may của Việt Nam, tận dụng các lợi thế do các FTAs Việt Nam tham gia đem lại.
 
Trong thời gian làm việc tại Ấn Độ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Dệt may Ấn Độ. Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã nhập khẩu 402 triệu USD bông, sợi, vải và nguyên phụ liệu dệt may từ Ấn Độ trong năm 2015. Việt Nam có nhu cầu lớn về bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu dệt may và Ấn Độ hoàn toàn có khả năng trở thành nguồn cung cấp chính cho Việt Nam với lợi thế giá cả cạnh tranh và chất lượng phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, ngày càng có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Ấn Độ tại trong lĩnh vực dệt may thị trường Việt Nam, nhất là cơ hội do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại. Quốc vụ khanh Bộ Dệt may Ấn Độ hoàn toàn nhất trí với những đánh giá của phía Việt Nam về những cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa hai nước cũng như một số đề xuất về việc sớm triển khai gói tín dụng dệt may trị giá 300 triệu USD và dự án thành lập Khu công nghiệp dệt may Ấn Độ tại Việt Nam. Để triển khai, hai bên cũng đã thông báo thành phần Nhóm Công tác chung về dệt may Việt Nam - Ấn Độ và nhất trí sớm tổ chức phiên họp đầu tiên để thúc đẩy hơn nữa hợp tác dệt may giữa hai nước.
 
Trong khuôn khổ Kỳ họp, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã phối hợp với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam Ấn Độ với sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp hai nước. Tại Diễn đàn, doanh nghiệp hai bên đã thảo luận để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, nông sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, v.v…
 
Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về  hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng
 
 
Chiều 19/3, tại Hà Nội đã diễn ra kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về  hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Bộ Trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hayashi Motoo chủ trì. 
 
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hai Bộ mà còn đối với hai nước trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản cùng các nước thành viên khác vừa chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
 
Trước đó, trong các ngày từ 3-4/3, tổ công tác của hai bên đã họp tại Hà Nội để rà soát, thảo luận và xây dựng cơ chế hợp tác trong dài hạn cũng như thống nhất xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, tập trung thảo luận, xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn về thương mại và đầu tư nhằm tận dụng lợi thế so sánh của mỗi nước và thúc đẩy các ngành sản xuất của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Tại Kỳ họp, Lãnh đạo hai bên đã chỉ đạo các tiểu ban, nhóm công tác cần có các bước đi thiết thực, hiệu quả hơn nữa để triển khai các kế hoạch hợp tác trong tất cả các nội dung hợp tác về công nghiệp, thương mại và năng lượng. Hai bên đã thảo luận trên tinh thần hữu nghị, hướng tới lợi ích chung nhằm tìm ra cơ chế hợp tác mới, có hiệu quả cao nhất, đáp ứng được đòi hỏi khách quan về nhu cầu hợp tác trong giai đoạn mới, cũng như kỳ vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.
 
Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản đã thành công tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng nói riêng và góp phần phát triển liên kết hai nền kinh tế dựa trên mối quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất. 
 
'Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn' cùng Giờ Trái đất 2016
 
 
Đúng 20h tối 19/3, sự kiện tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2016 với thông điệp “Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn” do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức đã chính thức diễn ra tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám – Hà Nội. 
 
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Charlotte Laursen, đại diện các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương và hàng nghìn người dân, học sinh sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Năm 2016 là năm thứ chín Việt Nam tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương với nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực. Ngay từ đầu tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã tổ chức lễ phát động chiến dịch trên toàn quốc với mục tiêu góp phần tạo chuyển biến lớn trong hành động tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu của người dân cả nước. Trong tháng hành động này, đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền được tổ chức như: Đạp xe diễn hành, chạy bộ cổ động, gặp gỡ giao lưu, trồng cây, tắt điện trong một giờ...
 
Trong sự kiện chính tối ngày 19/3, ngoài chương trình biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim tài liệu, các đại biểu đã cùng nhau thực hiện nghi thức tắt đèn tượng trưng.  
 
Thống kê của Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam EVN cho thấy: Sản lượng tiết kiệm điện qua 1 giờ tắt điện hưởng ứng chiến dịch đã không ngừng tăng lên hàng năm từ hơn 140.000 kWh năm 2009 đã tăng lên 431.000 kWh năm 2014 và năm 2015 là 520.000 kWh.
 
Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương 9phugam.com