Chính phủ quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp tạm nhập tái xuất
Ngày16/8/2013, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước khi Chỉ thị 23 ra đời (ngày 7/9/2012), cả nước có khoảng 384 doanh nghiệp (DN) có hoạt động tạm nhập tái xuất (TNTX), chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (cơ chế giám sát chưa chặt chẽ, chế tài xử lý chưa nghiêm...) nên hoạt động TNTX đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TNTX hàng hoá, chuyển khẩu kho ngoại quan, trong đó tập trung vào lập lại trật tự của hoạt động này và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại.
Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động kinh doanh TNTX, chuyển khẩu, kho ngoại quan đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi lợi dụng để buôn lậu hàng hoá, gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để lĩnh vực này hoạt động hiệu quả, yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng hoàn thiện các biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành tiếp tục quản lý tốt các cửa khẩu; giám sát chặt chẽ quá trình vận chuyển, quá trình làm thủ tục tại các cửa khẩu; thực hiện cải cách hành chính; rà soát các doanh nghiệp không đủ năng lực hoạt động; các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm, v.v…Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương tiếp tục đề xuất những giải pháp cho Chính phủ để hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần quản lý tốt hoạt động này và tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ngành Công Thương ưu tiên phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ cao
Ngày 16/8/2013, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham dự và chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương được xây dựng nhằm thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nhân lực đã qua đào tạo các cấp trình độ trong lĩnh vực công nghiệp từ 78% (năm 2010) lên 82% (năm 2015) và 92% (năm 2020); lĩnh vực thương mại tăng từ 67% (năm 2010) lên 80% năm (2015) và 88% (năm 2020). Quy hoạch đặt ra mục tiêu là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo các trình độ trong ngành Công nghiệp và Thương mại; Phát triển đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao ở mọi lĩnh vực, tập trung ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí, chế biến, năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại.
Hội nghị, đã theo dõi nhiều ý kiến đóng góp quan trọng trong đó đáng chú ý là bài tham luận "Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương và Khung kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch" của ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực và phát biểu của ông Phạm Minh Chính - UV BCH TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh về đào tạo nguồn nhân lực của ngành Công Thương, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và sự nghiệp giáo dục cả nước nói chung.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, quy hoạch không phải bất biến, có thể được điều chỉnh, vì vậy các các cơ sở có thể đề xuất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thực tế, hoàn thiện Khung kế hoạch hành động. Bộ trưởng nhấn mạnh "chúng ta đào tạo cho cả xã hội, chứ không chỉ cho riêng ngành Công Thương, do đó rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước".
Băng-la-đét mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí
Ngày 19/8/2013, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Năng lượng Băng-la-đét Mozammel Haque Khan.
Tại buổi tiếp, bàn về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có dầu khí, Thứ trưởng Mozammel Haque Khan cho biết, quan hệ hợp tác của hai nước trong lĩnh vực này đã có những bước phát triển đáng kể. Trước đây, nguồn cung dầu khí của Băng-la-đét phụ thuộc chủ yếu vào Cô-oét. Song hiện nay, Việt Nam đã trở thành một sự lựa chọn mới đối với Băng-la-đét. Do đó, trong thời gian tới, Tập đoàn Dầu khí của Băng-la-đét sẽ đẩy mạng hợp tác với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để cung cấp xăng dầu cho thị trường Băng-la-đét.
Thứ trưởng Lê Dương Quang vui mừng trước quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Công ty TNHH một thành viên Petrolimex Singapore và Tập đoàn Dầu khí Băng-la-đét. Thứ trưởng đề nghị Băng-la-đét tạo điều kiện để Petrolimex Singapore mở rộng hoạt động tại nước này. Điều này sẽ góp phần tạo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo an ninh năng lượng của Băng-la-đét. Thứ trưởng Lê Dương Quang cũng hy vọng đây sẽ là sự khởi đầu cho sự hợp tác sâu rộng hơn về năng lượng trong thời gian tới giữa hai nước.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giảm giá xăng và mazút
Mức giá mới có hiệu lực thi hành từ thời điểm 20 giờ 00 ngày 22 tháng 8 năm 2013 cho đến khi có thông báo mới và áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, gồm: các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và các cửa hàng xăng dầu thuộc đại lý, tổng đại lý của Petrolimex.
Lãnh đạo Petrolimex cho biết: Việc giảm giá xăng, mazút lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (NĐ 84) và các văn bản hướng dẫn thi hành NĐ 84 của Liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo văn bản số 11239/BTC-QLG ngày 22/8/2013 của Bộ Tài chính về việc điều hành kinh doanh xăng dầu, mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) áp dụng từ 20 giờ 00 ngày 22/8/2013 cụ thể như sau:
- Mặt hàng xăng: 300 đồng/lít; giữ nguyên so với hiện hành (300 đồng/lít).
- Mặt hàng điêzen: 400 đồng/lít, tăng 100 đồng/lít so với hiện hành (300 đồng/lít).
- Mặt hàng dầu hỏa: 800 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít so với hiện hành (300 đồng/lít).
- Mặt hàng mazút: Ngừng sử dụng Quỹ BOG.
Theo moit.gov.vn