Bạn đang ở đây

Tổng hợp hoạt động nổi bật ngành Công Thương tuần từ 14/04 đến 20/04/2014

21/04/2014 09:47:49

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú tiếp và làm việc với đoàn cán bộ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Sáng ngày 14/4, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã có buổi tiếp xã giao ông Quách Nguyên Cường, Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Đông và ông Tiết Hiểu Phong, Bí thư Thành ủy thành phố Trung Sơn tỉnh Quảng Đông.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, việc đồng chủ trì Hội thảo Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông) thể hiện sự coi trọng của Bộ Công Thương trong việc phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, công nghiệp, đầu tư giữa Việt Nam với Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Đông nói riêng. Đây cũng hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Bản ghi nhớ về việc xây dựng cơ chế hợp tác đối thoại kinh tế thương mại giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và CQND tỉnh Quảng Đông nước CHND Trung Hoa được Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông Trung Quốc Hoàng Hoa Hoa ký kết năm 2009.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng đã kiến nghị tỉnh Quảng Đông tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp Quảng Đông đầu tư vào những công trình quan trọng tại Việt Nam đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thương mại gạo nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Đông bày tỏ cảm ơn đối với sự ủng hộ và hỗ trợ to lớn từ phía Bộ Công Thương trong việc chuẩn bị và tổ chức buổi Hội thảo cũng như đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Bí thư thành phố Trung Sơn tỉnh Quảng Đông báo cáo Thứ trưởng những kết quả trong lĩnh vực hợp tác kinh tế thương mại mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua và nhất trí với các đề xuất của Thứ trưởng đối với các biện pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường giao lưu doanh nghiệp giữa Việt Nam và thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Nhân chuyến thăm của đoàn công tác tỉnh Quảng Đông, chiều ngày 14/4, Bộ Công Thương phối hợp cùng Chính quyền Nhân dân tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đồng chủ trì tổ chức Hội thảo Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Đông) tại Hà Nội.

Hội thảo này là cơ hội tạo ra sự kết nối, giao thương, tăng cường hiểu biết lẫn nhau cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Trung Quốc nói chung, các tỉnh thành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nói riêng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra, đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỷ USD vào năm 2015 và giảm nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc. 

Phiên họp giữa hai đồng Phó Chủ tịch Tổ công tác cấp cao Việt – Nga về các dự án đầu tư ưu tiên

Ngày 14/4, tại Hà Nội, Phiên họp giữa hai đồng Phó Chủ tịch Tổ công tác cấp cao Việt - Nga về các dự án đầu tư ưu tiên (Tổ công tác) đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Lê Dương Quang và Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga A. E. Likhachev.

Mục tiêu của cuộc họp là nhằm rà soát tình hình thực hiện 12 dự án thuộc Danh mục các dự án đầu tư ưu tiên (Danh mục) đã được Khóa họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (Ủy ban liên Chính phủ) và thảo luận về khả năng hợp tác tại các dự án mới.

Theo rà soát tại Phiên họp, nhiều dự án trong Danh mục đã có tiến triển tốt, chủ yếu thuộc lĩnh vực năng lượng và dầu khí. Tại cuộc họp, hai bên cũng đã nghe trình bày đề xuất một số dự án mới của phía Nga. Đó là các dự án thuộc các lĩnh vực: năng lượng, khai thác mỏ, hóa chất, công nghệ vô tuyến, v.v... Những nội dung này sẽ được doanh nghiệp hai bên tiếp tục làm việc, cụ thể hóa nội dung hợp tác tại dự án. Tổ công tác sẽ xem xét các dự án này tại các Phiên họp tiếp theo nhằm mục tiêu xây dựng một danh mục các dự án bổ sung năm 2014 để kiến nghị lên Ủy ban liên Chính phủ.

Phiên họp được thực hiện trong bầu không khí cởi mở và xây dựng. Tổ công tác đã rà soát và đề xuất hướng xử lý tích cực đối với từng dự án thuộc Danh mục các dự án đầu tư ưu tiên Việt - Nga, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam Expo 2014)

Ngày 16/4, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 24 (Vietnam Expo 2014). Hội chợ do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chủ trì.

Tham dự lễ khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cùng lãnh đạo các Bộ ngành liên quan.

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 19/04/2014, với chủ đề “Hợp tác hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN”, Vietnam Expo 2014 có hơn 600 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tham gia với hơn 750 gian hàng. Trong đó, có 382 gian hàng của 320 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hội chợ lần này thu hút sự tham gia của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, v.v…

Các mặt hàng trưng bày tại Hội chợ được chia làm 04 khu vực chính, bao gồm: Khu gian hàng quốc gia; Khu Máy móc - Thiết bị điện, Điện tử; Khu Thực phẩm - Đồ uống; Khu sản phẩm nội thất, trang trí - Hàng tiêu dùng; Khu gian hàng xúc tiến thương mại của các tỉnh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Vietnam Expo 2014 là một trong những hoạt động tích cực góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong hội nhập kinh tế khu vực và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Trải qua 23 kỳ Hội chợ, Vietnam Expo đã phát triển cả về quy mô và chất lượng, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, và trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại thường niên quy mô lớn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết thêm, thông điệp mà Bộ Công Thương gửi tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua Vietnam Expo 2014 đó là tăng cường sự hợp tác và tin tưởng lẫn nhau, cùng phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Việt Nam Expo 2014, sáng ngày 17/4 tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam 2014 với chủ đề: Tăng cường xúc tiến xuất khẩu, tiến tới hội nhập sâu vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Diễn đàn được tổ chức nhằm phát huy hơn nữa tiềm lực xuất khẩu, vì mục tiêu chung là sự phát triển năng động, hiệu quả của các doanh nghiệp nằm trong nỗ lực phát triển xuất khẩu bền vững của ngành Công Thương Việt Nam.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn, sự kiện này sẽ góp thêm động lực cải thiện hiệu quả xuất khẩu của Việt Nam vào khối thị trường ASEAN, và từ ASEAN lan tỏa rộng khắp tới các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đồng thời tăng cường thế mạnh của Việt Nam trên cơ sở có sự tăng cường nhận thức của cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về những vấn đề như các lợi thế đã, đang và sẽ có với ASEAN… nhằm đón đầu các cơ hội từ AEC, song song với việc dự phòng đối phó các thách thức và hạn chế yếu điểm.

Xây dựng Chiến lược, Quy hoạch phát triển công nghiệp mới

Chiều ngày 17/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan cho ý kiến về việc xây dựng 2 đề án Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển Công nghiệp Việt Nam giai đoạn mới (đến 2020, xét đến 2030-2035).

Sau một số lần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, hiệp hội liên quan, Bộ Công Thương đã xây dựng song song 2 đề án. Trên cơ sở các quan điểm khai thác các lợi thế sẵn có, chủ động tạo lợi thế trong nước và cơ hội quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp thế giới, các nhà hoạch định đề xuất những mục tiêu tổng quát cho công nghiệp Việt Nam, đồng thời đề ra những mục tiêu cụ thể trong tăng trưởng công nghiệp gồm giá trị tăng thêm, giá trị sản xuất, tỷ trọng trong GDP và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong sản xuất công nghiệp.

Bản Chiến lược xây dựng những mục tiêu ưu tiên, từ việc điều chỉnh mô hình tăng trưởng đến phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên. Từ đó, đề ra nội dung phát triển cho từng ngành, sản phẩm như cơ khí-luyện kim, hóa chất, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may - da giày, điện tử - công nghệ thông tin, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, v.v…

Các đề án cũng xây dựng điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, đưa ra các nhóm giải pháp ngắn hạn và lâu dài trong đổi mới thể chế, phát triển hệ thống dịch vụ công nghiệp; giải pháp thị trường, cơ chế thu hút đầu tư, hoạt động khoa học công nghệ.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu đã cho ý kiến về từng nhóm vấn đề lớn trong xây dựng 2 đề án, phân tích kỹ tình hình, thực trạng, quan điểm phát triển của từng ngành, nhóm ngành công nghiệp của đất nước. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các nội dung, các quy định để 2 Đề án có thể trở thành những căn cứ, quan điểm quan trọng, đúng hướng phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam.

Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ nhất 2014

Sáng ngày 18/4, tại TP. Phan Thiết, đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ nhất năm 2014 do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận đồng tổ chức.

Năm 2013, ngành Công Thương khu vực phía Nam đạt nhiều thành tựu với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% so với 2012, chiếm 54,65% cả nước; xuất khẩu đạt hơn 80 tỷ USD, tăng 4,13% so với 2012, chiếm 60,62% cả nước.

Theo thống kê của các Sở Công Thương khu vực phía Nam, dù tổng số cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch đến năm 2020 của khu vực này là 399 CCN (tổng diện tích 20.263 ha, chiếm 20,1% số CCN cả nước) nhưng việc triển khai đầu tư hạ tầng các CCN còn rất chậm, hầu hết là do doanh nghiệp (DN) đầu tư (75 CCN), còn lại là các CCN được ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần để phục vụ di dời và thu hút đầu tư mới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đánh giá, khu vực phía Nam là khu vực kinh tế năng động, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế của cả nước. Trong thời gian qua, nhiều sáng kiến của khu vực này đã là “mô hình mẫu” cần nhân rộng ra cả nước như: khu – cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, v.v… Trong bối cảnh kinh tế trong nước đang dần hồi phục thì phải tăng cường hợp tác liên kết, trong đó vai trò của Sở Công Thương là rất quan trọng để tham mưu cho lãnh đạo các địa phương và phát huy tối đa nội lực từ yêu cầu cụ thể của địa phương mình. Thứ trưởng đề nghị, ngành Công Thương phía Nam cần liên kết, hợp tác phát triển với các khu vực cân cận để cùng nhau phát triển.

Theo Bộ Công Thương