Đoàn Xúc tiến đầu tư thương mại trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Hàn Quốc
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác năm 2016, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC), Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cùng các cơ quan hữu quan tổ chức Đoàn Xúc tiến Đầu tư Thương mại tại Hàn Quốc từ ngày 30 tháng 5 đến ngày 03 tháng 6 năm 2016.
Trong chương trình, Hội thảo với chủ đề “Môi trường Đầu tư - Thương mại: Ngành công nghiệp chế biến Thực phẩm Việt Nam” được tổ chức vào sáng ngày 01/6, các chuyên gia của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giới thiệu về môi trường đầu tư, những chính sách về khuyến khích thu hút đầu tư và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi đầu tư từ Hàn Quốc vào các dự án tiềm năng tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Cục Hỗ trợ doanh nghiệp sau Hiệp định FTA - Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) đã tiến hành Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tham dự và chứng kiến Lễ ký có đại diện lãnh đạo các đơn vị Cục xúc tiến thương mại, Cục Hỗ trợ doanh nghiệp sau Hiệp định FTA Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ sẽ tạo cơ sở để hai bên tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác thương mại, thiết lập kênh liên lạc trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, qua đó có thể hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp hai nước tận dụng tốt những lợi thế của Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc, cũng như vượt qua khó khăn trở ngại khi thực thi Hiệp định.
Sau các bài phát biểu và Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ, Đoàn Việt Nam và hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ giao dịch, giới thiệu và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại. Trong ngày 31/5 và 2/6, Đoàn thực hiện 3 chuyến thăm tới khu công nghiệp, chuỗi sản xuất của tập đoàn CJ và tập đoàn Lotte, và tới làm việc Hiệp hội công nghiệp thực phẩm Hàn Quốc. Đồng thời, các địa phương và doanh nghiệp cũng tiến hành một số hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại tại một số địa điểm khác tại Hàn Quốc.
Đoàn Xúc tiến Đầu tư Thương mại tại Hàn Quốc không chỉ là cơ hội tốt để giới thiệu về môi trường đầu tư và các chính sách khuyến khích của Việt Nam tới các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hàn Quốc, mà còn là cơ hội để kêu gọi đầu tư từ Hàn Quốc vào các dự án tại các khu công nghiệp ở các tỉnh thành tại Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hội đàm với Tổng Cục trưởng AQSIQ Chi Thụ Bình
Ngày 31/5/2016, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã hội đàm với Tổng Cục trưởng Tổng cục Giám sát chất lượng kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) Chi Thụ Bình.
Phát biểu tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá chuyến làm việc của ông Chi Thụ Bình rất quan trọng, đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa việc tăng cường mở rộng, nâng cao chất lượng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại, kinh tế. Hai nước đang là những đối tác quan trọng của nhau. Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong các nước Asean, ngược lại Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tính tương hỗ và hỗ trợ lẫn nhau của 2 nền kinh tế đã thể hiện rất rõ. Trong khi Việt Nam là đối tác nhập khẩu quan trọng hàng đầu của Trung Quốc về các thiết bị máy móc công nghiệp, nguồn nguyên liệu công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước thì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất quan trọng đối với mặt hàng nông sản thủy hải sản chế biến của Việt Nam cũng như mặt hàng công nghiệp chế biến tiêu dùng.
Về phía Trung Quốc, ông Chi Thụ Bình khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc đã có quan hệ hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực và lĩnh vực thương mại có quan hệ rất bền chặt. Ông Chi Thụ Bình cũng cho biết, AQSIQ có chức năng kiểm dịch máy móc thiết bị, nông sản… và chức năng này tương đồng với Bộ Công Thương Việt Nam nên sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tại hội đàm, hai bên đã cùng trao đổi những nội dung liên quan đến việc tăng cường hợp tác thương mại hàng nông sản. Theo đó, Việt Nam đã trao đổi những vấn đề quan tâm như: Tăng cường hợp tác, trao đổi các chính sách mới, tạo điều kiện cho thương mại hàng nông sản; Nâng cao năng lực kiểm tra, tạo điều kiện cho hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu mới; Công nhận lẫn nhau đối với chứng thư kiểm dịch hàng nông thủy sản; Xây dựng cơ chế phối cảnh bảo sớm về kiểm dịch đối với hàng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; Đồng thời đề nghị AQSIQ tiếp tục phối hợp, sớm cho phép các sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vấn đề được phía Trung Quốc đưa ra trao đổi gồm: Mở đối đẳng các cặp cửa khẩu song phương; Quy phạm quản lý hoạt động thương mại biên giới; Vấn đề kiểm dịch trong các Khu hợp tác kinh tế qua biến giới Việt - Trung; Hợp tác về chứng thư điện tử.
Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cơ hội đối với doanh nghiệp”
Sáng ngày 31/5/2016, Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Dự án Hỗ trợ thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức Hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cơ hội đối với doanh nghiệp” tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh khẳng định, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU có tính bổ trợ cho nhau, Việt Nam xuất khẩu sang EU các mặt hàng dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện, máy tính, nông sản, thủy sản, đồ gỗ... trong khi nhập khẩu từ EU dược phẩm, các loại máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng, v.v...
Trên thực tế, xuất khẩu của Việt Nam sang EU mới đạt khoảng 0,75% tổng giá trị nhập khẩu của EU. Mặt khác, EU cũng là một nhà đầu tư quan trọng ở Việt Nam nhưng với số dự án đầu tư chiếm 8,7% tổng số dự án đầu tư và 8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ở Việt Nam, tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp EU ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Hiệp định EVFTA được dự kiến sẽ tạo ra "cú hích" đối với thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Bởi vì, thứ nhất, về thuế nhập khẩu, chỉ khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% và còn phụ thuộc vào cơ chế GSP, Hiệp định EVFTA có thể giúp tỷ lệ này tăng lên một cách bền vững trên 90% sau một lộ trình ổn đinh, tức là 28 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang EU trong tương lai sẽ được miễn thuế. Thứ hai, Hiệp định EVFTA có các quy định, cơ chế rõ ràng và hiệu quả, liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, SPS, TBT, minh bạch hóa, sở hữu trí tuệ, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý, hợp tác xây dựng năng lực, thương mại và phát triển bền vững, v.v... Thứ ba, với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, mua sắm công và cam kết về chính sách đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa chính sách, Thứ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng Hiệp định này sẽ thức đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Hội thảo "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA: Cơ hội đối với doanh nghiệp" không những là một diễn đàn kịp thời cung cấp thông tin hữu ích về các cơ hội mà còn chỉ ra các thách thức phát sinh từ Hiệp định cho cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân quan tâm.
Tại Hội thảo, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Dự án EU-MUTRAP công bố cuốn Sổ tay về Hiệp định EVFTA nhằm giới thiệu tới bạn đọc, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, về các quy định, cam kết mà Việt Nam và EU đã đạt được trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA. Trong thời gian tới, cuốn Sổ tay sẽ được xuất bản với số lượng lớn để gửi tới bạn đọc. Đây là nỗ lực của Bộ Công Thương nhằm giới thiệu các nội dung chi tiết của Hiệp định EVFTA với hình thức dễ hiểu, thông tin cô đọng để các doanh nghiệp Việt Nam sớm chủ động chuẩn bị khai thác hiệu quả nhất các cơ hội kinh doanh, đầu tư ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng giới thiệu một cuốn sách hướng dẫn bằng tiếng Anh nhằm cung cấp thông tin tương tự tới doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp châu Âu.
Hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư tại vương quốc Ma rốc
Ngày 31/5/2016 tại TP Marrakech , Đại sứ quán Việt Nam tại Ma rốc đã phối hợp với Phòng Thương mại , Công nghiệp và Dịch vụ vùng Marrakech –Safi tổ chức Hội thảo ‘‘Tiềm năng thế mạnh hàng Nông, Lâm, Thủy sản Việt Nam – những cơ hội hợp tác’’. Hội thảo đã thu hút được hơn 50 doanh nghiệp Ma rốc chuyên kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản và du lịch tham dự. Về phía Việt Nam có 5 doanh nghiệp tại Hà Nội cùng tham gia Hội thảo.
Đây là sự kiện đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội thảo tại TP Marrakech, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Vùng Marrakech – Safi hiểu biết thêm về môi trường kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam; nắm bắt các tiềm năng thế mạnh một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng.
Tại Hội thảo, tham tán thương mại Phạm Ngọc Cảnh đã chia sẻ về môi trường kinh tế, đầu tư thông thoáng minh bạch của Việt Nam; tiềm năng thế mạnh các mặt hàng nông, thủy sản; các cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong quan hệ thương mại đầu tư nói chung, trong việc xuất nhập khẩu hàng nông sản nói riêng. Sau trình bày của phía Việt Nam, các đại biểu đã tham gia đặt câu hỏi, nêu ý kiến về các nội dung liên quan. Trong đó đáng chú ý là kiến nghị chính phủ hai nước quan tâm hơn nữa đối với việc tạo hành lang pháp lý, nhất là vấn đề hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giúp cho quan hệ thương mại và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp hai nước được thuận lợi hơn, giảm thiểu các giao dịch qua trung gian.
Kết thúc Hội thảo, Đc Phạm Trường Giang, Đại sứ Việt Nam tại Ma rốc cám ơn sự quan tâm của các doanh nghiệp vùng Marrakech -Safi đến thị trường Việt Nam thông qua số lượng các doanh nghiệp đến tham dự Hội thảo khá đông; nhiều câu hỏi đặt ra trong Hội thảo rất thiết thực và cụ thể; đồng chí khẳng định những hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư như lần này sẽ được tổ chức thường xuyên trong thời gian tới.
Biện pháp phòng vệ thương mại: công cụ hiệu quả giảm áp lực hàng nhập khẩu
Ngày 2/6/2016, tại Hà Nội, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội nghị Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp” nhằm mang lại góc nhìn đa chiều về công tác thực thi pháp luật phòng vệ thương mại từ cả góc độ doanh nghiệp, hiệp hội; những bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới; từ đó xác định những bất cập trong các quy định của pháp luật để đề xuất giải pháp hoàn thiện và sử dụng hiểu quả các biện pháp này tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương chia sẻ, biện pháp tự vệ là công cụ khẩn cấp nhằm loại bỏ trước mắt những thiệt hại do tình trang gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này được áp dụng trong điều kiện thương mại công bằng, là van an toàn trong một khoảng thời gian nhất định khi hàng hóa nhập khẩu đang cạnh tranh chính đáng với hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp này, nước áp dụng có thể sẽ phải đối mặt với yêu cầu đền bù từ nước bị áp dụng. Tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa, đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, nhưng cũng là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu. Cụ thể, năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 về chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Kèm theo đó, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan cũng ban hành các Nghị định và Thông tư chi tiết hướng dẫn thi hành các điều trong các pháp lệnh nêu trên.
Dù đã có có đầy đủ chủ trương cũng như hành lang pháp lý của Đảng và Nhà nước, tới tận năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi trong xây dựng theo đề nghị của đại diện các nhà sản xuất mặt hàng kính nổi trong nước. Tại kết luận cuối cùng về vụ việc, Cơ quan điều tra đã kết luận rằng ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước không phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do việc nhập khẩu ồ ạt của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra gây ra. Do vậy, vụ việc được chấm dứt và không có bất kỳ một biện pháp tự vệ nào được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo báo cáo tổng kết thực thi ba Pháp lệnh về tự vệ, chống bán phá giá, và chống trợ cấp từ góc độ quản lý Nhà nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật Việt Nam về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc Tự vệ và 2 vụ việc Chống bán phá giá. Nếu nhìn vào con số trên, đặc biệt là trong tương quan với số lượng rất lớn các vụ việc được tiến hành trên thế giới (311 vụ Tự vệ, 4757 vụ Chống bán phá giá và 380 vụ Chống trợ cấp), có thể thấy Việt Nam đã sử dụng rất ít các biện pháp phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, mặc dù pháp luật đã được xây dựng hơn 10 năm nhưng các biện pháp này chỉ mới bắt đầu thực sự được sử dụng trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Để nâng cao hiệu lực biện pháp phòng vệ thương mại, bà Phạm Châu Giang cũng cho biết thêm, hiện nay trên thế giới, các biện pháp phòng vệ thương mại đựợc xem là công cụ hiệu quả nhằm giảm áp lực hàng nhập khẩu đối với các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế. Nắm bắt được xu hướng này, các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây cũng đã mạnh dạn nộp đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp này và tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình điều tra.
Tại Hội nghị, các diễn giả, nhà nghiên cứu uy tín, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để mang lại góc nhìn đa chiều về công tác thực thi pháp luật phòng vệ thương mại từ cả góc độ doanh nghiệp, Hiệp hội; những bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới; từ đó xác định những bất cập trong các quy định của pháp luật để đề xuất giải pháp hoàn thiện và sử dụng hiểu quả các biện pháp này tại Việt Nam.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu ngày 04/6/2016
Ngày 04/6/2016, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã có Công văn về việc điều hành giá xăng dầu. Theo đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 04 tháng 6 năm 2016 là 58,111 USD/thùng xăng RON 92; 57,405 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 57,991 USD/thùng dầu hỏa; 229,734 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (Chi tiết tại bảng thống kê giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày gần đây).
Như vậy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành này so với kỳ điều hành trước liền kề tăng +3,238 USD/thùng đối với xăng RON 92 (tương ứng +5,9%); tăng +3,671 USD/thùng đối với dầu diesel 0.05S (tương ứng +6,8%); tăng +4,294 USD/thùng đối với dầu hỏa (tương ứng +8,0%); tăng +8,859 USD/tấn đối với dầu mazut 180CST 3.5S (tương ứng +4,0%).
Thực hiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC; với mục đích điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: Xăng khoáng: 639 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 639 đồng/lít); Xăng E5: 672 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 672 đồng/lít); Dầu diesel: 846 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 846 đồng/lít); Dầu hỏa: 1.067 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.029 đồng/lít); Dầu mazut các loại: 323 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 323 đồng/kg). Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như mục 1 nêu trên, giá các mặt hàng xăng dầu điều chỉnh như sau: Xăng RON 92: tăng 680 đồng/lít; Xăng E5: tăng 668 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 608 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 650 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 241 đồng/kg. Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn: Xăng RON 92: không cao hơn 16.509 đồng/lít; Xăng E5: không cao hơn 15.983 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.908 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 10.297 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 8.391 đồng/kg.
Ngay sau đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn) chính thức có thông báo tăng giá xăng dầu với mức giá mới như sau: