Bạn đang ở đây

Tình hình kinh tế - thương mại khu vực Mỹ Latinh và Caribe 3 tháng đầu năm 2014

07/04/2014 14:51:00

Nguyên nhân của tăng trưởng chậm lại tại khu vực là do tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brasil và Mexico đạt mức thấp, lần lượt là 2,4% và 1,3%. Mặt khác, Paraguay là nước đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhất với 13%, tiếp đến là Panama (7,5%), Bolivia (6,4%), Peru (5,2%), Colombia (4,3%), Argentina (4,2%), Chile (4,1%), Haiti, Nicaragua và Uruguay (4%).

Theo báo cáo của CEPAL (Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe), năm 2014, tăng trưởng kinh tế thế giới dự kiến đạt 2,9%. Kinh tế các nước phát triển cũng như đang phát triển sẽ phục hồi khá hơn. Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe vì thế cũng sẽ được hưởng lợi. Tỷ lệ tăng trưởng GDP của khu vực dự báo đạt 3,3% nhờ tăng trưởng của xuất khẩu sang các nước phát triển. CEPAL dự báo trong năm nay, Panama sẽ là nước dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực với tỷ lệ tăng trưởng là 7,5%, tiếp đến là Bolivia (5,5%); Peru (5,5%), Cộng hòa Dominica (5%), Nicaragua (5%), Colombia (4,5%), Haiti (4,5%), Ecuador (4,5%), Paraguay (4,3%), Chile (4%), Costa Rica (4%), Uruguay (3,5%), Guatemala (3,5%), Mexico (3,5%), Honduras (3%), Cuba (3%), Argentina (2,6%), Brasil (2,6%), El Salvador (2,6%), Venezuela (1%).

Khu vực Mỹ Latinh và Caribe tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức như giá các nhóm hàng xuất khẩu thế mạnh của khu vực (như đồng, nông sản, một số nguyên liệu) tiếp tục xu hướng giảm rõ rệt. Có thể kể đến xuất khẩu đồng của Chile và Peru, do giá giảm 11% trong quý I nên giá trị xuất khẩu đồng của hai nước nói trên cũng giảm đáng kể. Kinh tế Trung Quốc và các nước mới nổi tăng trưởng chậm lại cũng là nguyên nhân làm nhu cầu nhập khẩu khoáng sản và nguyên liệu giảm mạnh. Mặt khác, việc Hoa Kỳ từng bước cắt giảm gói hỗ trợ tài chính và sự phục hồi của nền kinh tế nước này cũng như các nước phát triển khác, đã đẩy dòng vốn đầu tư từ khu vực Mỹ Latinh và Caribe quay lại các nước đó và gây áp lực lớn lên tỷ giá hối đoái, làm giảm giá đáng kể đồng nội tệ của các nước như Venezuela, Argentina, Chile và Peru. Năng suất lao động của phần lớn các nước trong khu vực chậm được cải thiện khiến hàng hóa của họ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như trong nội bộ khu vực.

Theo Vinanet