Bạn đang ở đây

Tình hình hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2014 (Phần 2)

09/05/2014 09:39:54

Tháng 4, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá ước đạt 12,6 tỷ USD, tăng 1,0% so với tháng 3 và tăng 16,1% so với tháng 4 năm 2013, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước 7,4 tỷ USD, tương đương tháng 3 và tăng 22,8% so với tháng 4 năm 2013.

 

Tính chung 4 tháng năm 2014 ước đạt gần 45,1 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 26,3 tỷ USD, tăng 18,2%, chiếm tỷ trọng 58,3% tổng KNNK cả nước; Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt gần 18,86 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 41,7% tổng KNNK cả nước, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2013.

 

Về kim ngạch và nhóm hàng

Nhập khẩu hàng hoá 4 tháng năm 2014 của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 88,5% KNNK, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng là nguyên liệu cho sản xuất. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 4,0% KNNK, trong đó mặt hàng mặt hàng phế liệu sắt thép; xe máy và linh kiện, phụ tùng giảm so với cùng kỳ (giảm lần lượt là 14,1% và 23,7%). Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt gần 2,0 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 4,4% KNNK.

 

Xét về giá, so với cùng kỳ, giá nhập khẩu bình quân của một số mặt hàng tăng, cụ thể: hạt điều tăng 14,1%; Quặng và khoáng sản khác tăng 6,8%; khí đốt hóa lỏng tăng 3,3%; chất dẻo nguyên liệu tăng 3,5%; bông các loại tăng 2,6%... Bên cạnh đó, giá nhập khẩu bình quân của một số mặt hàng giảm: lúa mỳ giảm 13,3%; ngô giảm 24,1%; đậu tương giảm 3,7%; dầu thô giảm 1,5%; xăng dầu các loại giảm 0,3%; phân bón giảm 12,3%; cao su các loại giảm 12,5%; giấy giảm 5,9%; sắt thép các loại giảm 6,1%; kim loại thường khác giảm 0,9%; phế liệu sắt thép giảm 7,1%...

 

Xét về lượng, những mặt hàng tính được về lượng nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ là lúa mỳ tăng 40,1%,  ngô tăng 211,6%, đậu tương tăng 56,3%, quặng và khoáng sản khác tăng 21,0%, xăng dầu các loại tăng 13,3%, khí đốt hóa lỏng tăng 9,4%, giấy các loại tăng 18,6%, bông các loại tăng 27,6%, xơ, sợi dệt các loại tăng 11,2%, kim loại thường tăng 18,1%, ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) tăng 89,8%... Trong khi đó, một số mặt hàng lượng nhập khẩu giảm như: hạt điều giảm 14,9%, dầu thô giảm 81,3%, phân bón giảm 5,5%, thép các loại giảm 1,6%...

 

 

 

Về thị trường nhập khẩu, KNNK từ Châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước chiếm 79,8%. Trong đó, KNNK từ ASEAN chiếm hơn 16,2%, các nước Đông Á chiếm 59,2%, riêng Trung Quốc chiếm gần 27,5% trong tổng KNNK của cả nước. Về tốc độ tăng, trong 4 tháng đầu năm nhập khẩu từ thị trường Châu Mỹ tăng 38,0%, trong đó nhập khẩu từ Mỹ tăng 30,8%, tiếp đến là Châu Phi tăng 29,7%, Châu Đại Dương tăng 29,3%, Châu Á tăng 12,0%. Nhập khẩu từ Châu Âu giảm 13,3%, trong đó nhập khẩu từ Ailen, Đức, Nga, Ucraina.. giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm trên 20,0%).

 

Về cán cân thương mại: nhập siêu tháng 4 ước 400 triệu USD, bằng 3,3%  kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 4 tháng 2014 xuất siêu khoảng 683 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu hơn 3,4 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 4,1 tỷ USD.

 

Nhận xét chung về tình hình xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng trưởng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch nhập khẩu tăng 13,7%. Xuất siêu cả nước ước 683 triệu USD, bằng khoảng 1,5% kim ngạch xuất khẩu. Đây là kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm 2014.

 

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2014 của cả nước tăng thêm 6,6 tỷ USD so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 4,7 tỷ USD (đóng góp hơn 70% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao đều do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,4%); giầy dép (76,7%); hàng dệt may (60%)...

 

Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 19,4% so với cùng kỳ. Đóng góp chủ yếu cho nhóm hàng này gồm các mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, hàng giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ là các mặt hàng có kim ngạch lớn và đều có tốc độ tăng trưởng trên 20%. Nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 14% với sự tăng trưởng khá cao của các mặt hàng thủy sản (32%), cà phê (29,5%), hạt tiêu (41,3%), rau quả (23%). Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 10,5% với sự sụt giảm cả về lượng và kim ngạch của dầu thô và than đá.

 

Xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 13,2% so với cùng kỳ với nhiều mặt hàng có mức tăng khá tuy nhiên giá xuất khẩu hai mặt hàng thế mạnh là cao su và cà phê giảm so với cùng kỳ.

 

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhiều nhóm hàng nguyên liệu được đẩy mạnh lượng nhập khẩu khi giá nhập khẩu có xu hướng giảm.

 

Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.

 

Theo Vietrade