Hội thảo Tận dụng ưu đãi và Thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc |
Còn dư địa mở rộng tỷ lệ tận dụng ưu đãi
Sau hơn 3 năm đi vào triển khi thực hiện, VKFTA đã tạo bước chuyển mạnh mẽ cho mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2015 kim ngạch xuất khẩu (XK) có sử dụng C/O ưu đãi của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 5,75 tỷ USD, sang năm 2017 đã tăng vọt lên 7,62 tỷ USD. Trong đó, may mặc là mặt hàng có tỷ lệ tận dụng được C/O ưu đãi cao nhất, tiếp đến là thủy sản, đồ gỗ, giày dép… với tỷ lệ tận dụng đạt được lần lượt là 31%, 10%, 7%, 5% trong năm 2017.
Tuy nhiên cho đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VKFTA trong XK hàng hóa của Việt Nam có xu hướng chững lại. Theo lý giải của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, nguyên do không phải tỷ lệ tận dụng bị giảm đi mà do có dấu hiệu bão hòa của một số mặt hàng XK trọng điểm.
Mặt khác, ông Lê An Hải- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) chỉ ra, việc tận dụng ưu đãi từ VKFTA mới chỉ được thực hiện tốt trong một số ngành hàng. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tận dụng được. Sự mơ hồ về các điều khoản, quy định nhất là về quy tắc xuất xứ, C/O khiến các doanh nghiệp còn lúng túng, thậm chí thực hiện sai thủ tục cấp C/O, hàng hóa không tận dụng được ưu đãi.
Thực tế tại phần thảo luận tại Hội thảo về Tận dụng ưu đãi và Thực thi VKFTA do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9/5 đã có không ít các doanh nghiệp đưa ra các câu hỏi, vấn đề đã được quy định rất rõ ràng trong các văn bản.
Việc chưa tận dụng được ưu đãi từ VKFTA là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc truyền tải thông tin chính xác, đầy đủ, nhất là thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, chứng nhận xuất xứ tới doanh nghiệp. Điều này cũng đồng thời cho thấy vẫn còn dư địa tận dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh XK hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc.
Đồng bộ hóa hệ thống chứng nhận xuất xứ
Chứng nhận xuất xứ và cấp C/O là hai trong số các thủ tục quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng được các ưu đãi thuế quan. Hiện nay hạ tầng thực hiện các thủ tục này của Việt Nam so với Hàn Quốc chênh lệch khá nhiều.
Ông Hansung Kim- Đại học Ajou cho hay: Hệ thống phần mềm trong việc cấp, quản lý C/O của Việt Nam chưa phù hợp và chưa có hệ thống dữ liệu đầy đủ trong lĩnh vực này. Việc bảo quản chứng từ còn thủ công, chưa đầy đủ cũng khiến doanh nghiệp Việt yếu thế hơn trong tận dụng các ưu đãi thuế quan. Hơn nữa, nền kinh tế của Việt Nam hiện đã hội nhập sâu rộng, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về chứng nhận xuất xứ là tối cần thiết để tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này.
“Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác lập kế hoạch xây dựng một hệ thống chứng nhận xuất xứ đồng bộ, thích hợp với thực tiễn của Việt Nam là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan, đẩy mạnh giao thương hàng hóa”, ông Hansung Kim gợi ý.
Về phía doanh nghiệp, cần tập trung nâng cao nhận thức và ứng dụng có hiệu quả VKFTA. Xây dựng hệ thống dữ liệu, bảo quản càng nhiều càng tốt văn bản chứng từ để đáp ứng nhanh yêu cầu của cơ quan hải quan đối tác.
Trước mắt để sớm tận dụng được các điều khoản ưu đãi trong VKFTA, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp cần tránh một số lỗi cơ bản để không bị xác nhận lại xuất xứ, giảm thiểu khả năng từ chối ưu đãi, như: Ngôn ngữ trên C/O thống nhất là tiếng Anh; giá trị FOB chỉ ghi khi bắt buộc; sử dụng đúng mã HS khi chuyển đổi.