Đánh giá kết quả đã đạt được và rút kinh nghiệm về những vấn đề còn tồn tại, nhằm đề xuất các giải pháp quản lý, nâng cao hơn nữa công tác an toàn trong sản xuất và sử dụng VLNCN khai thác khoáng sản nói chung cũng như khai thác than hầm lò nói riêng, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Quản lý, sản xuất, sử dụng VLNCN trong khai thác than hầm lò vào ngày 14/4 tại TP.Uông Bí (Quảng Ninh).
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các vụ, cục chức năng thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị khai thác than hầm lò thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, đại diện các cơ sở sản xuất VLNCN của TKV, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) và nhiều cán bộ trực tiếp tham gia quản lý, sử dụng VLNCN.
Báo cáo về năng lực sản xuất VLNCN, ông Cao Anh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, nhu cầu sử dụng VLNCN trong các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, thủy lợi và giao thông… tăng mạnh (năm 1996 mới tiêu thụ 16.000 tấn, đến năm 2016 tiêu thụ 122.000 tấn). Đặc biệt, khai thác than chiếm một tỷ trọng lớn (khoảng 50 ÷ 60 %) tổng lượng tiêu thụ VLNCN toàn quốc (năm 2016 ngành than sử dụng khoảng 60.000 tấn thuốc nổ, 40 triệu kíp nổ, 20 triệu dây nổ các loại).
Cả nước hiện có 8 doanh nghiệp được phép sản xuất VLNCN, tiền chất thuốc nổ, gồm: Tổng công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin (MICCO) và 7 đơn vị thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Hiện năng lực tối đa của 8 doanh nghiệp có khả năng sản xuất trên 180.000 tấn VLNCN và 75 triệu kíp các loại. Trong khi, nhu cầu sử dụng VLNCN trong nước trung bình 1 năm hiện nay chỉ ở mức trên dưới 130 ngàn tấn.
Vấn đề đáng quan tâm là thời gian qua đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn, sự cố liên quan đến sử dụng VLNCN trong khai thác khoáng sản; đặc biệt tại một số đơn vị khai thác than hầm lò thuộc TKV. Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị sản xuất khai thác than của TKV đã để xảy ra 26 vụ sự cố và tai nạn liên quan đến sử dụng VLNCN làm 8 người chết, 43 người bị thương. Điển hình gần đây nhất là vụ tai nạn ngày 29/9/2016 tại Công ty Than Khe Chàm làm 14 người bị thương
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ sự cố, tai nạn do vi phạm các quy định về sử dụng, khoan, nổ mìn trong hầm lò, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn còn chủ quan, việc kiểm tra của cán bộ chưa hiệu quả, đồng thời công tác kiểm soát chất lượng VLNCN cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, phân tích để xác định đúng nguyên nhân của các vụ tai nạn, sự cố về VLNCN. Đánh giá, phân tích nguyên nhân của những sự cố, tai nạn do sử dụng VLNCN trong khai thác than hầm lò (việc thực hiện các quy định trong sử dụng VLNCN; chất lượng sản phẩm VLNCN; thiết bị phục vụ nổ mìn máy điểm hỏa, máy đo điện trở kíp, đo thông mạch…). Phân tích sự phù hợp của quy định pháp luật với thực tiễn (quy định chất lượng thuốc nổ, kíp nổ; quy định về an toàn trong sử dụng VLNCN như nội quy, quy trình, công tác canh gác, kiểm tra, xử lý mìn câm sau khi nổ mìn…; quy định về kiểm định thiết bị phục vụ nổ mìn, đo điện trở máy điểm hỏa, máy đo điện trở kíp …).
Từ những vấn đề đặt ra sẽ đề xuất xây dựng các biện pháp, giải pháp để giảm thiểu loại trừ các nguy cơ rủi ro, yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong sử dụng VLNCN; đề xuất để sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý VLNCN trong văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đưa ra giải pháp quản lý, giải pháp công nghệ, giải pháp tổ chức thực hiện, nhằm giảm thiểu, loại trừ tai nạn, sự cố trong hoạt động sử dụng VLNCN.
Ông Nguyễn Văn Trịnh - Trưởng ban An toàn, Tập đoàn TKV - cho biết, trong số 26 vụ tai nạn, sự cố liên quan trực tiếp đến VLNCN, tai nạn do mìn câm, mìn sót tới 17 vụ. Nguyên nhân do thực hiện không đúng quy trình, quy định: 12 vụ. Còn lại 3 vụ do thiếu kiến thức về kỹ thuật an toàn VLNCN, 2 vụ do thiết kế hoặc thi công không đúng hộ chiếu; 2 vụ bắt nguồn từ nguyên nhân gây cháy nổ đường lò, tạo khí độc trong đường lò khi sử dụng VLNCN.
Ông Lê Văn Sử - Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh - xã hội Quảng Ninh: "Việc vi phạm về quy trình, như: khoảng cách an toàn và vấn đề này, vấn đề kia chưa đúng quy trình, chúng ta có thể khắc phục được. Tuy nhiên, khó nhất vẫn là vấn đề mìn sót. Chúng ta nổ mìn trên mật độ rộng và trên mặt phẳng đứng, với mật độ dày nên phát hiện mìn sót rất khó. Chưa đánh giá được thực trạng thì chưa thể đưa ra được giải pháp hiệu quả".
|
Để giảm thiểu, loại trừ những tai nạn, sự cố trong công tác sử dụng VLNCN, đặc biệt trong khai thác than hầm lò với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn dễ dẫn đến tai nạn lao động, ông Cao Anh Dũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Cụ thể, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các loại kíp nổ điện số QCVN 02:2015/BCT , đặc biệt xem xét dải chênh điện trở của loại kíp vi sai để phù hợp với các nước tiên tiến. Xem xét việc sử dụng kíp nổ phi điện để nâng cao mức độ an toàn trong nổ mìn mỏ hầm lò.
Phối hợp với đơn vị sản xuất và đơn vị sử dụng nghiên cứu sản xuất, hoàn thiện kíp điện vi sai an toàn nhiều số (hiện tại chỉ có 6 số); tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thuốc nổ an toàn trong môi trường có khí bụi nổ đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều kiện khai thác than ở Việt Nam ngày càng xuống sâu, đá cứng chắc hơn và nguy cơ xuất hiện khi CH4 lớn hơn; nghiên cứu chế tạo giảm đường kính thỏi thuốc nổ hầm lò để dùng cho lỗ mìn biên.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) nghiên cứu, sửa đổi những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật an toàn nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị có hoạt động VLNCN dễ thực hiện được các quy định, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an ninh, an toàn trong tất cả các khâu từ sản xuất, cung ứng, bảo quản vận chuyển và sử dụng VLNCN. Đồng thời chủ trì, phối hợp với TKV tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy định để hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời các quy định chưa phù hợp.
Đối với các đơn vị sản xuất, cung ứng VLNCN chú ý quản lý chặt chẽ hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa VLNCN, cung cấp cho khách hàng những loại VLNCN đảm bảo tốt chất lượng như đã công bố; xây dựng quy trình đo điện trở kíp, phân loại điện trở kíp theo nhóm để hạn chế nguy cơ gây hiện tượng mìn câm.
Đặc biệt, phải thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, thử nghiệm và nghiệm thu VLNCN số QCVN 01:2012/BCT do các Trung tâm Kiểm tra VLNCN được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn khách hàng để sử dụng VLNCN an toàn, hiệu quả.
Tập đoàn TKV, Tổng Công ty Đông Bắc có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện các vấn đề: Đo kiểm tra 100% điện trở kíp điện và phân loại kíp để có sự chênh lệch điện trở nhỏ ± 0,2 Ω trước khi cấp phát để sử dụng. Đo điện trở toàn mạng nổ bảo đảm phù hợp giá trị cho phép của máy nổ mìn. Rà soát các quy định về khoan nổ mìn, bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN để điều chỉnh phù hợp.
Đặc biệt, cần thiết phải xây dựng biện pháp kỹ thuật an toàn trong công tác kiểm tra, đánh giá, nhận định kết quả bãi nổ, phát hiện và xử lý mìn câm... bảo đảm an toàn mới cho phép công nhân trở lại làm việc...
Ông Nguyễn Bá Trường, Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí: "Công ty Than Uông Bí hàng năm cần sử dụng trên 200 tấn thuốc nổ. Để bảo đảm an toàn khi phân loại sử dụng, chúng tôi đề nghị cơ sở sản xuất giải quyết 2 vấn đề lo ngại. Thứ nhất, về dải sai số điện trở của mỗi kíp trong một thùng quá lớn. Công ty mong muốn chỉ sai số 1Ω, nhưng nay sai số đến 4 Ω. Đề nghị OTK của nhà sản xuất khi đóng kíp, mỗi thùng chỉ để sai lệch 1Ω. Thứ hai, chất lượng của kíp chỉ nổ xòe mà không nổ hết. Vậy nổ xòe có đủ cường độ kích nổ kíp không, đề nghị nhà sản xuất xem xét. Việc nữa cũng cần xem lại chất lượng thuốc có đồng nhất không mà tại sao có lỗ nổ, có lỗ lại không - dù cùng một người làm".
|