Bạn đang ở đây

Tiêu thụ xi măng "khá" nhất trong nhóm vật liệu xây dựng

08/01/2014 11:17:04

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, xi măng vẫn là sản phẩm tiêu thụ khá nhất so với các sản phẩm vật liệu xây dựng khác, tổng công suất thiết kế hiện có của các nhà máy xi măng được khai thác với tỷ lệ cao nhất; kính xây dựng là sản phẩm tồn kho lớn nhất, do đặc điểm công nghệ sản xuất kính nổi là chỉ dừng sản xuất khi sửa chữa lớn (một chu kỳ sửa chữa lớn khoảng 7- 8 năm).
Hiện nay tổng công suất các nhà máy xi măng đang hoạt động đạt trên 70 triệu tấn. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2013 khoảng 61 triệu tấn, đạt 107,5% so với kế hoạch năm, tăng 13,9% so với năm 2012; trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 47 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn (tương đương 3,4%) so với năm 2012; xuất khẩu khoảng 14 triệu tấn, tăng gần 6 triệu tấn so với năm 2012 (trong đó clinker khoảng 10,3 triệu tấn, xi măng khoảng 3,7 triệu tấn).
Trong khi đó, tổng công suất thiết kế các nhà máy ốp lát của cả nước là trên 435 triệu m2 (bao gồm granite, ceramic, cotto), phần lớn các nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng, vì tiêu thụ chậm; công suất hiện có được khai thác thấp, chỉ vào khoảng dưới 75%; Lượng tồn kho lớn, mặc dù từ đầu năm nhiều dây chuyền phải dừng do không tiêu thụ được.
Về kính xây dựng, tình hình tiêu thụ chưa có dấu hiệu khả quan hơn so với năm 2012, kính nổi và kính cán lượng tồn kho khá lớn.
Nhằm thực hiện các giải pháp để cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường xi măng, Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 9 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch, giãn tiến độ của 7 dự án có công suất trên 2.500 tấn clinker/ngày sau năm 2015 .
Nhằm kích cầu cho sản phẩm xi măng, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai Chương trình hành động về tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam, trong đó chú trọng các dự án thí điểm thi công mặt đường bê tông xi măng.
Chương trình phát triển vật liệu xây không nung được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường ; hiện đã có 20 tỉnh xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch như Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, An Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng,... đặc biệt Tp.Hồ Chí Minh đã dừng sản xuất 100% các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung.
Trong năm, Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra một số địa phương trong việc thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu xi măng; kiểm tra việc khai thác, chế biến, xuất khẩu khoảng sản làm vật liệu xây dựng; kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng trên thị trường; kiểm tra xác định khối lượng đá hoa trắng dạng tồn kho của các doanh nghiệp và cho phép làm thủ tục xuất khẩu; nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, đồng thời tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng lượng tiêu thụ, giảm hàng tồn kho.

Theo Dân trí