Bạn đang ở đây

Tiếp tục phát triển TT trong nước không thể thiếu XTTM

31/08/2011 15:01:44
Trên bình diện cả nước, cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trong 6 tháng đầu năm tiếp tục được đảm bảo. Mặt hàng vật liệu xây dựng tuy sản xuất chững lại, nhưng được trợ lực từ nguồn tồn kho, nên vẫn đủ cung ứng cho các công trình. Lương thực, phân bón…nguồn cung dồi dào, song nhu cầu tăng không  đáng kể…., tạo nên sự ổn định chung.
 
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có nhiều hoạt động. Nằm trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, các hội chợ - triển lãm: Hùng Vương tại Phú thọ; Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung Tây Nguyên, tại Thừa Thiên - Huế;  ngành Điều Việt Nam lần thứ I tại Bình Phước; Vùng đồng bằng Sông Cửu Long tại An Giang; Trái cây đồng bằng Sông Cửu long tại Tiền Giang;  Dừa tại Bến Tre.., đã được tổ chức, mang lại kết quả khích lệ. Các địa phương còn đưa các hội chợ - triển lãm tới các địa điểm không phải tỉnh lỵ, các huyện lỵ, để đông đảo bà con nông dân vùng sâu có thể hòa mình trong ngày hội hàng hóa.
 
Trong khuôn khổ Kế sách xúc tiến thị trường trong nước của Bộ Công Thương, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh - Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức “Chương trình đưa hàng về nông thôn”. Kết thúc giai đoạn I đã có 42 chuyến hàng Việt Nam của 132 doanh nghiệp về các huyện vùng xa, tổng doanh thu ước đạt gần 27 tỉ đồng; ký kết 250 hợp đồng với nhà phân phối, đại lý mới. Từ tháng 7/2010 Chương trình sẽ triển khai giai đoạn II với sự cam kết tham gia của 60 doanh nghiệp. Với các hoạt động đó, nông dân được cung ứng những chủng loại hàng hóa thiết yếu đạt chất lượng, hợp với túi tiền; doanh nghiệp không mất chi phí quảng cáo đã chuyển hóa thành việc giảm giá bán nhiều mặt hàng từ 5%-15%; các nhà sản xuất nắm bắt được nhu cầu của nông dân để điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp với đối tượng này.
 
Kết cục, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 6/2010 đạt 127,543 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 5/2010, tính chung 6 tháng đạt 747,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó Khối kinh tế nhà nước tăng trưởng cao nhất; Khối kinh tế ngoài nhà nước tăng thấp nhất; Ba nhóm ngành hàng hàng hóa - du lịch- khách sạn, nhà hàng tăng trưởng đồng đều.
 
Gắn bó hữu cơ với lưu thông hàng hóa và kinh doanh dịch vụ, tình hình giá cả trong 6 tháng qua đọng lại mấy nét chính:
Quý I/2010 giá cả biến động mạnh khiến đã có lo ngại về tái lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1,  2 và 3 tăng ở các mức 1,36 %,  1,96% và 0,75% làm cho chỉ số quý I tăng 4,12% so với tháng 12/2009. Mức tăng giá đó lại diễn ra ở hầu hết các mặt hàng thiết yếu đã lan nhanh sang các mặt hàng hóa, dịch vụ khác. Nguyên nhân chủ yếu ngoài sức mua tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán còn do: giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại gần tới mức cũ, biến động tỷ giá, chi phí sản xuất và lưu thông, giá điện, thuế VAT... Tuy nhiên sang Quý II, do áp dụng mạnh các biện pháp kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng dần ổn định, chỉ tăng nhẹ so với tháng trước, lần lượt các tháng 4, 5 và 6 là 0,14,%, 0,27% và 0,22%.
 
Hai nhóm mặt hàng lương thực - thực phẩm và nhà ở - vật liệu xây dựng thường có tác động mạnh đến biến động giá cả, quý I giá tăng mạnh, song sang quý II đều dịu xuống.  Gía dầu giảm, nên giá vận tải bớt căng thẳng.
 
Tình hình gian lận thương mại trong bán lẻ xăng dầu ở các cơ sở tư nhân được chấn chỉnh. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã thực hiện chỉ đạo nghiêm túc của Chính phủ về kiềm chế tăng giá, giãn thời gian tăng và không tăng từ tháng 3 đến hết tháng 6/2010.
 
Với diễn biến đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng 5/2010 tăng 0,22%; so với tháng 12 năm 2009 tăng 4,78%, Chỉ số tiêu dùng 6 tháng năm 2010 tăng 8,75% so với 6 tháng đầu năm 2009. Điều này cho thấy có thể  đẩy lùi được lạm phát và thực hiện được mục tiêu khống chế mức tăng giá cả năm 2010 không quá 7%.
 
Bước vào 6 tháng cuối năm đã xuất hiện những thách thức, mà trong những biểu hiện là giá đầu vào cho sản xuất tiếp tục tăng nhanh hơn giá bán sản phẩn, nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh sẽ không cao. Thời tiết khắc nghiệt trong vòng hàng chục năm nay đang diễn ra tại nhiều vùng, ảnh hưởng dây truyền đến sản xuất và đời sống.
 
Để phát huy những kết quả trên, đồng thời sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường, trong 6 tháng cuối năm cần áp dụng các biện pháp sau:
 
-Tiếp tục theo dõi diễn biến cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường, để có biện pháp điều hành chủ động điều tiết cân đối để bình ổn thị trường, phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, không để xảy ra các cơn sốt thiếu hàng cục bộ, tăng giá đột ngột.
 
-Tiếp tục phát triển mạng lưới phân phối. Mở rộng hệ thống bán lẻ hàng hóa – cung ứng dịch vụ, nhất là khu vực nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển một số hàng hóa thiết yếu đối với sản xuất và đời sống xã hội giai đoạn 2011- 2020, có tính đến năm 2025, theo hướng gắn quy hoạch sản xuất với quy hoạch phân phối.
 
-Tăng cường công tác quản lý thị trường. Phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình để tăng giá, đưa tin thất thiệt, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tàng trữ, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng, giữ lành mạnh hóa thị trường.
 
-Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, tổ chức bán hàng Việt Nam về nông thôn và vào các khu công nghiệp. Chú trọng đảm bảo dự trữ tại chỗ đề phòng tới mùa mưa bão, có địa phương bị cô lập.
 
-Phối hợp với điều hành nhập khẩu, vừa tăng cường quản lý đối với hàng hóa cần phải kiểm soát, chủng loại cần hạn chế, vừa chủ động bổ sung vào cân đối cung - cầu những hàng hóa thiết yếu trên thị trường nội địa và tạo điều kiện để hàng Việt Nam phát huy được thế mạnh của mình và ổn định giá cả.
 
-Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn về tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh./.
 
Theo Vietrade