Hiệu quả cao
Ông Đào Ngọc Phong- Trưởng phòng Công nghiệp và Công nghệ thông tin (CNTT) - Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - cho biết, hiện nay, nhiều DN đã chủ động phát triển TMĐT để có thêm những hợp đồng mới. Công ty CP bánh kẹo Hữu Nghị là một ví dụ điển hình. Qua thông tin giới thiệu trên mạng, ngày càng nhiều DN nước ngoài tìm đến Bánh kẹo Hữu Nghị để đặt hàng. Ngoài ra, Tân Hiệp Phát, Nhựa Đông Á, Kềm Nghĩa, Viglacera, Habeco... cũng tích cực tham gia sàn TMĐT.
Ngoài ra, 80% doanh thu của các công ty: Secoin (vật liệu xây dựng), Safe Seafood (thủy, hải sản đông lạnh), Visimex (quế, hồi, hạt tiêu, sắn, mật ong, hành, tỏi...) có được từ việc xuất hàng qua TMĐT. 60% doanh số xuất khẩu của Công ty Gepimex 404 (lương khô) đến được Trung Quốc, các nước Trung Đông và châu Âu cũng nhờ ứng dụng tích cực TMĐT...
Ông Nguyễn Tiến Anh- Giám đốc Công ty Hagimex - chuyên kinh doanh nông sản, rau, quả, xuất sang Nga, Australia, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Nhật Bản... - khẳng định: TMĐT là công cụ xuất khẩu tốt nhất mà DN có được. Thông qua TMĐT, hàng tháng, DN nhận được khoảng 300 lượt hỏi về hàng hóa và 10% lượt hỏi hàng trở thành hợp đồng. Giá trị các hợp đồng thường ở mức 15.000 USD, có nhiều hợp đồng lớn giá trị lên đến 200.000 USD...
Chủ động để tránh rủi ro
Thực tế, điều khó nhất của DN Việt Nam tham gia TMĐT là uy tín và chất lượng sản phẩm, vì giao dịch TMĐT chủ yếu dựa trên uy tín của DN. Theo ông Trương Anh Dũng- Phó Tổng giám đốc Công ty Vija- khi giao dịch TMĐT, DN cần chọn lựa những sàn có uy tín, có hệ thống kiểm tra về nguồn khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, một số trở ngại cho hoạt động TMĐT như môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, nhân lực không đáp ứng nhu cầu thực tế, hệ thống thanh toán điện tử chưa phát triển, an ninh mạng... Đây là những rào cản lớn nhất của TMĐT trong giai đoạn hiện nay.
Ông Đào Ngọc Phong cảnh báo: Để tránh những rủi ro khi giao dịch trên môi trường mạng, các DN vẫn phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý có liên quan, nắm chắc quy định của từng sàn giao dịch và đặc biệt là tìm hiểu kỹ đối tác sẽ có giao dịch thương mại với mình. Vì vừa qua đã có không ít DN, tổ chức, cá nhân bị lừa đảo qua mạng.
Theo ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương), DN cần tăng cường liên doanh, liên kết, tham gia các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng để trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường... Ngoài ra, DN cũng cần tận dụng một kênh bán hàng ít tốn kém, nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, đó là TMĐT.
Thời gian tới, để ứng dụng có hiệu quả kênh TMĐT trong hoạt động xuất khẩu, các DN cần coi kênh xuất khẩu trực tuyến là một phần trong chiến lược kinh doanh, từ đó lựa chọn phương thức tiếp cận TMĐT phù hợp để tối ưu hóa chi phí nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, các DN cũng cần đầu tư đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên trách về TMĐT.
Ông Trần Hữu Linh- Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương):
Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, những phương thức kinh doanh truyền thống kém hiệu quả hiện nay, DN nên quan tâm đến TMĐT, xem đây như một kênh xúc tiến thương mại chủ lực để cắt giảm chi phí trung gian.