Bạn đang ở đây

Thông tin kinh tế, tài chính, thương mại nổi bật tuần đến ngày 29/3/2014

31/03/2014 14:32:54

Tuần qua, cùng với diễn biến của thị trường thế giới, giá vàng trong nước giảm mạnh, xuống sát 35,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, do giảm ít hơn thế giới khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng lên trên 2,5 triệu đồng.

Theo Thông tư số 11/2014 NHNN mới ban hành, kể từ 15/5/2014, cá nhân khi xuất, nhập cảnh bằng hộ chiếu được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ với khối lượng từ 300g trở lên phải khai báo với Hải quan. Cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài mang theo vàng với khối lượng 1kg trở lên phải có giấy phép do NHNN cấp.

Tỷ giá hối đoái tiếp tục ổn định

Trên thị trường ngoại tệ, giá đôla Mỹ trong các NH tiếp tục ổn định. Tại Vietcombank, tỷ giá dao động quanh 21.080-21.120 đồng/USD (mua vào – bán ra).

GDP quý I/2014 tăng 4,96%

GDP quý 1/2014 tăng 4,96%, trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao thể hiện tình hình kinh tế vẫn trì trệ, doanh nghiệp vẫn khó khăn. Theo giáo sư của Viện chiến lược chính sách Nhật Bản, Việt Nam đã vướng bẫy thu nhập trung bình, đó là tăng trưởng chậm lại, năng suất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt của chuyển dịch cơ cấu theo đúng nghĩa, khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra…

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 16,9%

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 3/2014 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,9% so với tháng 2/2014 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Lũy kế Quý I năm 2014 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,2%, cao hơn mức tăng 4,9% cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/3/2014 tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm 2013, tuy giảm nhiều so với mức tăng của cùng thời điểm năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao.

Tháng 3/2014, Việt Nam tiếp tục nhập siêu khoảng 0,3 tỷ USD

Theo TCTK, trong tháng 3/2014, Việt Nam tiếp tục nhập siêu khoảng 0,3 tỷ USD, tương đương 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tính chung hết quý 1/2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,346 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 32,339 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn xuất siêu ước khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1,53% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm vai trò chủ đạo khi xuất siêu tới gần 4 tỷ USD trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 3 tỷ USD.

Tổng nợ công Việt Nam tăng thêm 2,634 tỷ USD

Ngày 23/3, đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com cho thấy, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 80,070 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 886,36 USD; nợ công chiếm 48,0% GDP, tăng 11,2% so với năm 2013. Nợ công toàn cầu đang ở mức trên 52.945 tỷ USD. Như vậy, ở thời điểm này, tổng nợ công Việt Nam tăng thêm 2,634 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người tiếp tục tăng thêm 27,31 USD/người. Theo các chuyên gia KT, nếu tính đầy đủ nợ công Việt Nam có thể lên tới xấp xỉ 106% GDP.

Quý I/2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng

Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính chung cả quý I-2014, cả nước có 18.358 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (với số vốn đăng ký 97.983 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký). Song, tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động cũng lên tới 16.745 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước chứng tỏ doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Ba tháng đầu năm, thu hút FDI của Việt Nam giảm so với cùng kỳ

Thu hút FDI của Việt nam 3 tháng đầu năm nay đã giảm 49,6% so với cùng kỳ 2013. Campuchia, Lào, 2 nước chậm phát triển lại đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. Năm 2013, có 54% DN FDI trước khi chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanma... Trong khi đó, con số này của năm 2011 và 2012, chỉ là 32%. Đây là một cảnh báo quan trọng về thứ hạng của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, vốn FDI quý I sụt giảm gần 50% không có gì đáng ngại, đó là do không có dự án nào lớn được đăng ký mới hay tăng thêm vốn trong quý. Sắp tới Bộ sẽ bỏ giấy đăng kí đầu tư và nhiều giấy phép chuyên ngành … để tạo thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực cần phải có một lộ trình thực thi thích hợp và cần thắt chặt quá trình “hậu kiểm”…

Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), lương hưu của cán bộ, viên chức, công chức tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2015 thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu sẽ phải tính bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội như đối với người lao động khu vực ngoài nhà nước. Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu cũng được sửa đổi theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% từ 15 năm lên 20 năm, tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Chỉ số giá tiêu dùng(CPI) tháng 3/2014 trên cả nước giảm so với tháng trước

Theo TCTK, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2014 trên địa bàn cả nước giảm 0,44% so với tháng trước. So với tháng 3 năm trước, CPI tháng 3/2014 cũng chỉ tăng 4,39%, mức thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. So với tháng 12/2013, lạm phát cũng mới chỉ ở mức 0,8%, thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Theo một số chuyên gia kinh tế, CPI tháng 3 thấp kỷ lục cho thấy sức mua đang giảm sút, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục xuống thấp…, tuy nhiên, đại diện các bộ ngành cho rằng, CPI tháng 3 hàng năm có xu hướng giảm so với tháng 2. Vì vậy, CPI tháng này giảm 0,44% là bình thường và phù hợp với diễn biến tiêu dùng sau Tết.

Từ ngày 1/1/2015 sẽ có thêm 1.720 dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm xuống 0%

Theo Bộ Tài chính, thực hiện Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA), dự kiến từ ngày 1-1-2015 sẽ có thêm 1.720 dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm xuống thuế suất 0%. Số còn lại gồm 687 dòng thuế, chủ yếu là những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, sẽ xuống 0% vào năm 2018 gồm ôtô xe máy, phụ tùng linh kiện ôtô, xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm sữa... Riêng một số sản phẩm nông sản nhạy cảm của Việt Nam như mía đường vẫn được áp mức thuế 5%.

Theo Vinanet