Bạn đang ở đây

Thiết lập cơ chế đối thoại chính sách trong lĩnh vực phân phối và logistic giữa Việt Nam và Nhật Bản [11/10/2011]

14/10/2011 10:05:39

Tham dự và chứng kiến Lễ ký kết, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước; Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương và đại diện một số Vụ, Cục của Bộ Công Thương. Về phía Nhật Bản có ông Daito Michito, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản; ông Matsushita Tadahiro, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản và đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.

Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển cả về chất và lượng. Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 16 tỷ USD, tăng gần 24 % so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 4,85 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2009. Hiện nay có trên 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Việt Nam, trong đó khoảng 900 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Hai nước cũng đang tích cực hợp tác trong các dự án lớn về xây dựng hạ tầng giao thông, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, v.v… Trong lĩnh vực phân phối, nhiều doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã tham gia thị trường hoặc đang tìm hiểu về cơ chế chính sách về đầu tư và phân phối để phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

Nội dung chính của Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên bao gồm: Chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, công cụ liên quan đến chính sách, pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực phân phối và logistics ở hai nước; Thảo luận về các vấn đề nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối và logistics của hai nước; Tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm và các hoạt động khác trong lĩnh vực phân phối và logistics giữa các nhà quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan khác.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ông Matsushita Tadahiro nhấn mạnh phân phối và logistic là lĩnh vực rất quan trọng, chính vì vậy việc thiết lập cơ chế đối thoại chính sách giữa hai bên là nhằm tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất hướng tới phục vụ lợi ích của người dân Việt Nam và Nhật Bản.

Hiện tại, Nhật Bản là thị trường rất phát triển với nhiều loại hình phân phối bao gồm: bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại đồng thời hình thành nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia lớn về phân phối như Panasonic, Sumitomo, tập đoàn siêu thị AEON, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Family Mart, 7-Eleven, v.v...

Trên cơ sở đó, sẽ có rất nhiều mặt hàng tham gia vào cơ chế này từ đồ ăn đến đồ gia dụng, nội thất phục vụ cuộc sống hàng ngày cũng như liên quan đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thúc đẩy việc kinh doanh và sản xuất tại thị trường Việt Nam cũng như trao đổi thương mại hai chiều.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng nhấn mạnh, Nhật Bản luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều thời gian qua tăng trưởng cao. Phía Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam không ngừng tăng lên, chứng tỏ Nhật Bản luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mong muốn sau khi Thỏa thuận được ký kết, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Công nghiệp Nhật Bản sẽ cụ thể hóa các nội dung hợp tác để sớm đi vào thực hiện, nhằm góp phần thúc đẩy thương mại song phương.

Trên thế giới, Nhật Bản là thị trường rất phát triển với nhiều loại hình phân phối bao gồm bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại, đồng thời hình thành nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia lớn về phân phối như Panasonic, Sumitomo, tập đoàn siêu thị AEON, chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart, 7-Eleven, v.v… Tính đến cuối năm 2010, Nhật Bản có trên 430.000 trung tâm bán buôn, trung bình có 34 cơ sở bán buôn trên 10.000 dân cư; có khoảng 40.000 cửa hàng tiện lợi, không chỉ bán hàng hóa mà còn cung cấp dịch vụ và chức năng tài chính. Tổng số cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản là trên 1,6 triệu, được phân bố với mật độ 13 cửa hàng trên 1000 dân cư, cao hơn nhiều so với Pháp (8,7 cửa hàng/1000 dân cư), Đức (6,6), Mỹ (6,5) và Anh (6,1). Ngoài ra, thị trường bán lẻ của Nhật Bản tồn tại phong phú nhiều loại hình dịch vụ bán lẻ từ phổ thông đến hiện đại như các cửa hàng bán lẻ tổng hợp, cửa hàng bán lẻ tổng hợp quy mô lớn, siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng 100 ¥ (yen), cửa hàng bán lẻ chuyên kinh doanh hàng có thương hiệu, v.v… Các chính sách pháp luật quản lý hệ thống phân phối của Nhà nước đã giúp Nhật Bản trở thành thị trường bán buôn, bán lẻ hấp dẫn với hạ tầng thương mại dành cho phân phối hiện đại, thúc đẩy cạnh tranh tự do và công bằng, thực thi trao đổi thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã có những chuyển đổi rất linh hoạt về chính sách để phù hợp với từng thời kỳ phát triển khác nhau như: đã chuyển từ việc điều chỉnh thương mại trong Luật cửa hàng bán lẻ quy mô lớn, Luật phát triển thương mại bán lẻ vừa và nhỏ sang các quy định cụ thể hơn tại Luật xác định vị trí cửa hàng bán lẻ quy mô lớn, Luật phát triển khu vực buôn bán trung tâm và Luật quy hoạch đô thị sửa đổi.

Trung tâm Tin học