Còn hơn 20 ngày nữa là đến tết Nguyên đán Ất Mùi, nhưng ngay từ trung tuần tháng 1 năm 2015, thị trường hàng hóa phục vụ tết đã trở nên sôi động. Thông thường, sức mua dịp này thường tăng từ 10-15%, đặc biệt thời gian trước và sau tết có những biến động mạnh nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm.
Có dịp dạo quanh các siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh và các cửa hàng nhỏ lẻ, các chợ đầu mối trong thành phố Yên Bái nhận mới thấy, theo quy luật hàng năm, mặt bằng giá thị trường chịu tác động bởi một số yếu tố như nhu cầu sản xuất, chế biến, mua sắm cuối năm tăng... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều không tăng mạnh, thậm chí một số mặt hàng còn có xu hướng giảm như: đường, sữa, sắt thép xây dựng, dược phẩm, hàng điện tử...
Nguyên nhân dẫn đến yếu tố giá ổn định và có xu hướng giảm là do giá xăng, dầu trong thời gian qua giảm liên tục, cước vận tải giảm, chi phí đầu vào cũng giảm... Tuy giá cả ổn định và giảm nhưng sức mua lại không tăng! Tại Siêu thị Anh Mỹ (thành phố Yên Bái), các loại hàng hóa như đồ uống, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo đến quần, áo, giày, dép thời trang, mỹ phẩm... phong phú nhưng lưu lượng người đến mua sắm không tăng, nhiều khách đến khảo giá nhưng không mua!
Các điểm kinh doanh khác cũng trong tình trạng tương tự. Được hỏi, chị Nguyễn Thị Mai (phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái) đang cùng hai cô con gái đi mua sắm quần áo trên một cửa hàng trên đường Điện Biên (thành phố Yên Bái) cho biết: "Năm nay thị trường quần áo nhiều mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, đồ "hiệu" thì mình không dám nói chứ hàng Việt Nam chất lượng cao thì giá có phần giảm, tuy không nhiều. Như cái áo này tháng trước mình mua 550 ngàn đồng nhưng nay giảm chỉ còn 520 ngàn đồng. Hầu hết các sản phẩm bày bán đều được dán tem và niêm yết giá bán nhưng hàng Trung Quốc thì giá cả tùm lum lắm, mỗi nơi một giá không biết đằng nào mà lần".
Trước tình trạng trên, hầu hết các siêu thị, đại lý đã có chương trình khuyến mại để lôi kéo khách hàng, nhưng lượng người mua vẫn chưa tăng. Về tình hình mua sắm cuối năm, ông Nguyễn Hữu Dũng - chủ cửa hàng tạp hóa phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) phân tích: “Một vài năm trở lại đây, việc mua sắm tết của người dân đã thay đổi nhiều. Người tiêu dùng không còn thói quen mua nhiều hàng dự trữ mà chỉ theo nhu cầu sử dụng trong ngày. Chính từ nhu cầu đó, bản thân doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng cũng phải tự điều chỉnh, không sản xuất, nhập hàng một cách ồ ạt mà tập trung nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Ông Hoàng Ngọc Tuyển - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuyển Hằng cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Công ty đã chuẩn bị hơn 10 tỷ đồng tiền hàng, giá cả các sản phẩm đều giảm giá, ngoài ra còn mở nhiều đợt khuyến mại và các chương trình tri ân khách hàng mua sắm trong dịp tết. Toàn bộ sản phẩm do Công ty bán đều được niêm yết giá bán theo quy định của hãng”.
Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng thông thường mà ngay cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống cũng không biến động lớn. Theo dự báo của các đại lý và các tư thương thì từ nay đến tết Nguyên đán các mặt hàng “không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình” cũng không tăng nhiều bởi nguồn cung khá dồi dào.
Hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, tuy nhiên sự “đỏng đảnh” của thị trường khó mà lường hết. Do vậy, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tránh tình trạng găm hàng đội giá. Người tiêu dùng khi mua hàng cũng cần phải nắm rõ xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm tránh mua hàng gian, hàng rởm và cũng cần cảnh giác với những “chiêu” khuyến mại giảm giá để mua được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, đúng giá.
Theo YBĐT