Chưa tận dụng hết lợi thế
Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC của Việt Nam, những thách thức đó sẽ đặc biệt hơn đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Phân tích cụ thể, ông Đoàn Duy Khương cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) gây sức ép nhiều nhất đến thương mại hàng hóa do mức độ cắt giảm thuế sâu rộng trong hiệp định ASEAN và ASEAN mở rộng, với khoảng 90% dòng thuế giảm xuống 0% vào năm 2015 và phần lớn các dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2018.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa tận dụng tối đa lợi thế giảm thuế theo các FTA. Hơn nữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thiếu thông tin về các cơ hội thị trường mà các FTA mang lại cũng là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp trong quá trình tận dụng những cơ hội này. Đặc biệt đó là những thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của hàng hóa, dịch vụ và hàng rào kỹ thuật khác để có thể nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Theo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc VCCI, hiện nay thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là nhận thức về cộng đồng kinh tế ASEAN của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Theo nghiên cứu, chỉ có 20% doanh nghiệp biết về những cơ hội và thách thức của cộng đồng kinh tế này.
Bà Trần Thị Thu Hương cho biết thêm, những thách thức còn đến từ tâm lý thích dùng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này được chứng minh là những chuỗi cửa hàng Thái Lan ngày càng nhiều trong các đô thị lớn của Việt Nam. Ngoài ra, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản chiếm một tỷ lệ nhỏ trong kim ngạch của Việt Nam sang ASEAN do một số nước thành viên lớn của ASEAN cũng có lợi thế sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng tương tự. Về mức độ tận dụng các ưu đãi cũng chưa được doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hết, hiện chỉ khoảng 25% C/O mẫu D được các doanh nghiệp sử dụng.
Hình thành chuỗi cung ứng để giảm thuế quan
Tán đồng với những thách thức mà các FTA trong khối ASEAN mang lại, ông Andrew Holt, Bí thư thứ Nhất và trưởng nhóm thịnh vượng Bộ Ngoại giao Anh cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ hội nhập kinh tế ASEAN, ngoài ra các FTA còn mang lại những cơ hội lớn cho xuất khẩu, đầu tư và chuyển dịch lao động.
Tuy nhiên ông Andrew Holt cũng cho rằng những tiềm năng này chỉ được thực hiện nếu các doanh nghiệp Việt Nam dám đương đầu với những thách thức. Ông Andrew Holt cũng chia sẻ sự luyến tiếc nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng hết những ưu đãi thuế quan khi kinh doanh với các nước ASEAN và các đối tác bên ngoài ASEAN. “Điều này thật đáng tiếc vì những thành quả của hội nhập đang bị bỏ qua”- Ông Andrew Holt nói.
Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp để có thể tận dụng được hết các cơ hội mà FTA với ASEAN mang lại, ông Hoàng Văn Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm nguồn tham khảo hữu ích để nắm được những cam kết về FTA, ngoài ra doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu để tra cứu được thuế để xác định được chênh lệch thuế suất giữa thuế được tính theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) với các thuế ưu đãi và thuế ưu đãi giữa các FTA khác nhau để chọn mức ưu đãi thấp nhất. Tiếp theo đó, các doanh nghiệp cần xin C/O phù hợp nếu đáp ứng được các tiêu chí về xuất xứ.
Với kinh nghiệm của một doanh nghiệp chuyên ngành may mặc, ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 cho biết, May 10 đang trong đà tự đổi mới mình để tạo ra nhiều sức cạnh tranh hơn cùng với việc nghiên cứu, tìm hiểu các quy định của các FTA. Tuy nhiên, ông Việt cũng thừa nhận rằng, lợi ích quan trọng nhất của các FTA là thuế quan thì May 10 cũng chưa tận dụng được bởi một trong những điều kiện để doanh nghiệp được cắt giảm thuế là sản phẩm phải thỏa mãn yêu cầu xuất xứ tức là hàm lượng xuất xứ từ các nước thành viên ASEAN đạt ít nhất 40%, trong khi hiện nay 90% nguyên liệu của doanh nghiệp là được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do đó, đại diện May 10 đề nghị Chính phủ có những chính sách hỗ trợ ngành dệt may hình thành các chuỗi cung ứng để tận dụng được hết các lợi thế xuất xứ do FTA mang lại.
Theo Báo Hải quan