Nguồn cung của một số hàng hóa, vật tư thiết yếu còn thiếu bền vững, trong một số thời điểm nhất định, một số mặt hàng thực phẩm có sự bất ổn về nguồn cung do dịch bệnh (đối với thịt lợn) và giảm sút diện tích canh tác (đối với rau, củ, quả ở các tỉnh xung quanh Hà Nội), ảnh hưởng đến giá cả thị trường và tác động tới CPI chung của cả nước.
Tuy vậy, Bộ Công thương đánh giá, nhìn chung thị trường trong nước tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trên 20% so với cùng kỳ năm trước, cung cầu các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, kết cấu hạ tầng thương mại tiếp tục được nâng cấp, mở rộng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.
Các chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các trung tâm lớn tiếp tục được duy trì và mở rộng, tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường đối với 9 mặt hàng, tổng kinh phí 437,22 tỷ đồng. Hiện hàng bình ổn chiếm 20 - 30% thị phần trên thị trường thành phố với 37 doanh nghiệp tham gia. Tính đến đầu tháng 9 năm 2011, tại TP đã có 3.773 điểm bán hàng bình ổn và hơn 200 cửa hàng tiện ích. Ngoài các điểm bán hàng cố định, chương trình còn thực hiện 199 chuyến hàng lưu động tại các vùng sâu, vùng xa.
Với TP Hà Nội cũng đã dành 475 tỷ đồng tạm ứng cho 17 doanh nghiệp để mua tạm trữ 10 nhóm hàng phục vụ công tác bình ổn giá. Tính đến tháng 15/8/2011, Hà Nội có 561 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 271 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành, tăng gấp 3 lần so với năm 2010.
Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nỗ lực bình ổn thị trường và cung ứng hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng trong 9 tháng qua đã được phát huy ở mức độ nhất định. Cơ cấu thành phần kinh tế nhà nước trong tổng mức bán lẻ tăng từ 9,8% năm 2008 lên hơn 11% trong 9 tháng năm 2011; trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm từ 3,4% năm 2008 xuống khoảng 2,8%.
Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội 9 tháng đầu năm 2011 của cả nước ước đạt 1.392,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường còn thiếu ổn định và bền vững, mức tăng qua các tháng không cao (phần lớn tăng dưới 2%/tháng), đồng thời các nhóm du lịch và khách sạn, nhà hàng đều tăng thấp hơn mức tăng chung, điều này cho thấy ảnh hưởng của lạm phát cao làm suy giảm sức mua thực và xu hướng tiết giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.
Theo dự báo, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm 2011 có thể diễn biến phức tạp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó đáng chú ý là áp lực lạm phát đang nổi lên, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do mặt bằng lãi suất còn cao, chi phí đầu vào cao... Dự kiến tổng mức bán lẻ năm 2011 tăng khoảng 22% so với năm 2010, đạt 1.880 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng giá năm 2011 khoảng 18%, trong những tháng tới, nhiệm vụ điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường giá cả sẽ còn nặng nề và phức tạp. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần triển khai thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm...; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Theo HNMO