Yên Bái là một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa thuộc vùng núi phía Bắc, nằm trong tọa độ địa lý 21024’ - 22016’ độ vĩ Bắc và 103056’-105003’ độ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Tây giáp tỉnh Sơn La. .
Nằm sâu trong nội địa nhưng Yên Bái tương đối thuận lợi về giao thông, là đầu mối trung chuyển của các tuyến giao thông đường bộ, đường Chì-Kẽm, đường thủy từ Hà Nội, Hải Phòng lên cửa khẩu Lào Cai; trong tương lai khi đường cao tốc Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc) hoàn thành và sân bay Nga Quán được chuyển hướng phục vụ mục đích dân dụng sẽ tạo cho Yên Bái lợi thế lớn trong việc giao lưu kinh tế với các tỉnh bạn, với thị trường trong nước và quốc tế.
Tài nguyên khoáng sản của Yên Bái là một tiềm năng quý của quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh. Khoáng sản của Yên Bái đa dạng về chủng loại song phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, mức độ điều tra địa chất còn sơ lược. Đáng chú ý hiện nay là quặng Chì-Kẽm.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 08 giấy phép khai thác còn hạn đều được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép cho 7 doanh nghiệp; trong đó 04 mỏ đang tiến hành khai thác, 04 mỏ mới được cấp phép nên đang trong quá trình xây dựng cơ bnar mỏ. Các mỏ đều khai thác theo phương pháp khai thác hầm lò, thi công khai thác chủ yếu bằng thủ công công nghệ khai thác đơn giản, khoan nổ mìn để đào các đường lò theo các vỉa quặng, bốc xúc quặng, đất đá thải bằng thủ công lên các xe, goòng tự chế vận chuyển thủ công tập kết ra các cửa lò, tuyển chọn bốc xếp bằng máy xúc, vận tải quặng về xưởng tuyển hoặc tiêu thụ trực tiếp các sản phẩm hàm lượng cao.
Các mỏ hiện đang khai thác với sản lượng nhỏ hơn công suất thiết kế, khai thác không liên tục do giá bán sản phẩm thấp trong nước thấp, không xuất khẩu được sau khi có chỉ thị 02/Ct-TTg. Sản lượng khai thác quặng Chì-Kẽm 12 tháng năm 2012 chỉ đạt 4.401tấn.
Trên địa bàn đa số các đơn vị được cấp phép đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến như: Công ty Khoáng nghiệp Bảo Thông Việt Trung đã xây dựng xong nhà máy tuyển tinh quặng Chì công suất 10.000 tấn/năm tại xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tổng mức đầu tư nhà máy trên 32.000.000.000 VNĐ; công ty TNHH Khánh Minh đã xây dựng xong nhà máy tuyển tinh quặng Chì công suất 5.040 tấn/năm tại xã Xuân Lai huyện Yên Bình, tổng mức đầu tư nhà máy trên 12 tỷ đồng đã đi vào hoạt động, nay đang dừng sản xuất do chưa có quặng để chế biến và công tác xử lý môi trường chưa đảm bảo theo quy định; công ty Cổ phần Thịnh Đạt đã xây dựng xong nhà máy chế biến tại cụm công nghiệp Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn; hiện tại nhà máy đang hoạt động bình thường; các dây chuyền tuyển trên đều theo công nghệ tuyển nổi, thiết bị nhập từ Trung Quốc.
Thị trường tiêu thụ quặng Chì-Kẽm khai thác từ các mỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái chủ yếu là ở trong nước (Không được xuất khẩu). Nguyên nhân của tình trạng trên là do ngày 09/01/2012 Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng, xuất khẩu khoáng sản và nêu rõ không xuất khẩu quặng Chì-Kẽm.
Tuy nhiên ngày 17/12/2012, Chính phủ ra Thông báo số 407/TB-VPCP về quy định xuất khẩu khoáng sản, xử lý hồ sơ hoạt động khoáng sản tồn đọng và công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản. Trong thông báo nêu dõ, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan kiểm tra, xác định khối lượng tồn quặng Chì-Kẽm có hàm lượng ≥ 50% của các doanh nghiệp và cho phép làm thủ tục xuất khẩu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/12/2012 Bộ Công Thương đã ra văn bản số 12397/BCT-CNg yêu cầu ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra số lượng tồn kho quặng Chì-Kẽm; thành phần tổ công tác liên ngành do Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng với sở ban ngành liên quan trên địa bàn tỉnh; đồng thời ngày 22/3-24/3/2013, đoàn tái kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì đã cùng phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cùng các sở ban ngành liên quan phúc tra kết quả lượng khoáng sản tồn kho và thống nhất đề nghị Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái được xuất khẩu 4.598 tấn quặng Chì-Kẽm. Đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương đã đồng ý cho công ty TNHH Nam Hồng Hà được phép xuất khẩu tối đa 460 tấn quặng Chì-Kẽm tồn kho trong năm 2012 có hàm lượng ≥ 50% và công ty cổ phần Yên Phú được phép xuất khẩu tối đa 360 tấn quặng Chì-Kẽm tồn kho trong năm 2012 có hàm lượng ≥ 50% .
Từ những phân tích trên đây, nhận thấy việc Bộ Công Thương đồng ý cho 02 đơn vị trên được phép xuất khẩu sản phẩm tồn kho trong năm 2012 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng Chì-Kẽm trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững./.
Nguồn: Phòng KTATMT