Bạn đang ở đây

Tháng đầu năm: cùng khởi động

17/02/2014 16:00:43

Tình hình thị trường nội địa trong tháng giêng và riêng những ngày giáp tết nổi bật là phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, và nhất là giá cả ổn định đã đảm bảo nhu cầu mua sắm  trong dịp trước, trong và cả sau tết Giáp Ngọ - 2014. Trên phương diện địa bàn, không có địa phương nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, kể cả những Thành phố lớn, các trọng điểm thu hút khách du xuân đầu năm.

 

Đó là do sự chỉ đạo của các cấp cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nhà sản xuất, kinh doanh chuẩn bị khá đầy đủ để phục vụ nhân dân trong dịp tết mua sắm. Hàng hoá cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đã có 40 trong số 63 tỉnh thành phố trên cả nước thực hiện Chương trình bình ổn giá. Mạng lưới bán hàng bình ổn năm nay khoảng 10 nghìn điểm bán hàng tăng 2 nghìn điểm so với năm trước. Các siêu thị, Trung tâm thương mại hoạt động hết công sáut, thậm trí còn thu hút cả tiểu thương tham gia vào bán hàng bình ổn giá. Các hoạt động hội chợ bán hàng, Gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết, cố định hoặc luân phiên tại các cụm dân cư;  Chương trình khuyến mại cũng được đồng loạt khai diễn ở thị thành, lan tới vùng nông thôn đã tạo ra cảnh mua bán tấp nập, không chen lấn, xếp hàng, giành giật.

 

Qua đây cũng bộc lộ năng lực chiếm lĩnh thị trường, thoả dụng yêu cầu của người tiêu dùng bằng giá cả hợp lý, chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng bao bì không thua sút so với hàng ngoại. Điều đó, một lần nữa khẳng định việc đẩy mạnh cuộc Vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại kết quả thiết thực, nhất là vào những dịp nhu cầu tiêu dùng có biến động lớn.

 

Trước tình hình này, dù tháng 2, 3 vào mùa lễ hội, sức mua có tăng, nhưng do các cân đối lớn được giữ vững, các mặt hàng Nhà nước còn định giá sẽ thực hiện điều chỉnh theo cơ chế thị trường  với lộ trình và liều lượng thích hợp, nên xu hướng quý I/2014 giá cả sẽ ổn định.

 

Xuất nhập khẩu ra quân

Cùng với việc “lo toan” cho nhu cầu nội địa, các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu cũng đã ra quân việc giao hàng ngay từ tháng đầu năm. Tuy vậy, với nhiều lý do khách quan, đặc biệt là về thời gian, nên kết quả còn khiêm tốn. Kim ngach xuất khẩu tháng 1/2014 đạt 10,3 tỷ USD, giảm 11,5% so với tháng 12 năm 2013 và giảm 10,8% so với tháng 01 năm 2013. Trong đó khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 6,3 tỷ USD giảm 7,0% so với tháng 12 năm 2013 và giảm 6,4% so với tháng 01 năm 2013.

 

Tạo nên tổng kim ngạch xuất khẩu, nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 1,51 tỷ USD, giảm 21,3% và chiếm tỷ trọng 14,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm nhiên liệu, khoáng sản ước 0,66 tỷ USD, giảm 32,0% và chiếm tỷ trọng 6,4%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 7,2 tỷ USD, giảm 7,7% và chiếm tỷ trọng khoảng 70,4%. Nhóm hàng hóa khác ước đạt 0,88 tỷ USD, tăng 9,6% và chiếm tỷ trọng 8,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Tháng 01, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 10,4 tỷ USD, giảm 14,6% so với tháng 12 năm 2013 và giảm 1,9% so với tháng 01 năm 2013, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,8 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng 12 năm 2013 và giảm 1,5% so với tháng 01 năm 2013.

 

Tháng 01 ước nhập siêu 100 triệu USD, bằng 0,97% kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 1,08 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 0,98 tỷ USD.

 

Công nghiệp vào đà

Sản xuất công nghiệp tuy vẫn gặp khó khăn, song chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 3,0% so với cùng kỳtrong đó:  công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6%, sản xuất và phân phối điện tăng 4,4%, cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,0%. Riêng công nghiệp khai khoáng giảm 9,6%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 tăng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01 tháng 01 năm 2014 tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2013./.

Theo Cục XTTM