Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội: Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 4/2014 đạt 238.934 tỷ đồng, tăng 2,38% so với tháng 3 năm 2014. Trong cơ cấu tổng mức tháng 4, nhóm khách sạn nhà hàng và du lịch có mức tăng cao nhất (tăng lần lượt 7,25% và 3,95%) do nhu cầu đối với các dịch vụ này tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30 tháng 4, mùng 1 tháng 5, các nhóm còn lại chỉ tăng 1,6-1,7%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 939.632 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xét theo cơ cấu mặt hàng, nhóm du lịch, dịch vụ tăng cao nhất với mức tăng lần lượt 24,39% và 25,59% do nhu cầu du lịch, dịch vụ cao trong những kỳ nghỉ lễ; nhóm thương nghiệp tuy có tỷ trọng cao nhất lại có mức tăng thấp nhất (chỉ tăng 8,5%) cho thấy sức mua trên thị trường chưa cao. Nếu xét theo thành phần kinh tế, nhóm có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là nhóm có mức tăng trưởng tốt nhất (tăng 26,94%), các nhóm trong nước chỉ tăng 9-10%. Như vậy nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013 (04 tháng năm 2013 tăng 4,69%).
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 năm 2014 tăng 0,08% so với tháng 3 năm 2014. Trong cơ cấu CPI tháng 4, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (tăng 0,33%) do sự điều chỉnh giá xăng tháng trước nhưng không lớn do giá dầu (loại nguyên liệu được dùng nhiều trong kinh doanh vận tải lớn) giảm, mà chủ yếu chịu tác động từ việc tăng cước vận chuyển do siết chặt quản lý hoạt động vận tải. Tiếp đến là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,26%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,24% là do nhu cầu các mặt hàng này bắt đầu tăng khi thời tiết chuyển mùa. Các nhóm có chỉ số giảm gồm lương thực giảm 0,26% do giá thóc gạo tại các tỉnh phía Nam giảm khi Vụ Đông Xuân thu hoạch rộ, xuất khẩu không được giá; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,56% do giá gas giảm; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,14% do các chương trình khuyến mại của các hãng viễn thông. Các nhóm còn lại tăng từ 0,01-0,23%.
Như vậy CPI 4 tháng đầu năm 2014 tăng 0,88% so với tháng 12 năm 2013. Trong cơ cấu CPI 4 tháng đầu năm, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 2,19% (do tác động của cước phí vận tải và một phần tăng giá xăng dầu), tiếp đến là nhóm đồ uống thuốc lá tăng 1,91% do nhu cầu tăng trong dịp đầu năm (lễ, Tết); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm có tỷ trọng lớn nhất) có mức tăng khá thấp sau 4 tháng đầu năm (chỉ tăng 1,1% là do giá lương thực giảm trong thời gian gần đây, nhóm thực phẩm đã không tăng cao trong dịp Tết như các năm trước), đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến CPI chung tăng thấp; Các nhóm còn lại chỉ tăng từ 0,11-1,51%, riêng nhóm bưu chính viễn thông và nhà ở vật liệu xây dựng giảm lần lượt 0,19% và 0,93%.
Dự báo tháng 5: Trong tháng 5 có kỳ nghỉ lễ dài (30/4 và 1/5) nên cước phí vận tải, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng và ăn uống ngoài gia đình có thể tăng, đồng thời một số nhóm hàng có thể tăng nhẹ khi chuyển mùa hoặc do tác động từ cước vận chuyển. Tuy nhiên, do mặt bằng giá thế giới biến động không nhiều, cung cầu nhiều loại hàng hóa tiếp tục bảo đảm, giá nhiều hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, LPG... tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ nên CPI tháng 5 sẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng 4.
Theo Bộ Công thương